Điểm tin công nghệ 15/2: Mẫu iPhone với linh kiện đắt tiền nhất của Apple

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 15/02/2023

Mẫu iPhone với linh kiện đắt tiền nhất của Apple; Gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập và sử dụng internet

- Mẫu iPhone với linh kiện đắt tiền nhất của Apple

Màn hình và chip xử lý trên iPhone 14 Pro Max có chi phí sản xuất tăng lên, trong khi modem 5G rẻ hơn nhờ sự phổ biến của công nghệ này.

Theo thống kê của Counterpoint Research, chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max 128 GB, phiên bản 5G mmWave (chỉ bán tại Mỹ) là 464 USD. Trong khi đó, phiên bản với modem Sub-6 GHz có chi phí sản xuất 454 USD.

Giả sử 44% sản lượng iPhone 14 Pro Max là phiên bản mmWave, tổng chi phí sản xuất thiết bị tăng khoảng 3,7% so với iPhone 13 Pro Max.

Theo BGR, chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max được thống kê dựa trên hóa đơn nguyên vật liệu (BoM). Dù một số thành phần rẻ hơn thế hệ trước, chip xử lý và camera khiến tổng chi phí sản xuất thiết bị đắt lên.

Dựa trên dữ liệu, màn hình chiếm 20% tổng chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max. Với lỗ khuyết Dynamic Island và phần tinh chỉnh cho chế độ luôn bật (always-on), chi phí màn hình do Samsung sản xuất đắt hơn bản tiền nhiệm.

Chip xử lý A16 Bionic đắt hơn 6,7%, tương đương 11 USD so với A15 Bionic được dùng trên iPhone 13. Linh kiện này chiếm 20% tổng chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max.

Trong khi đó, camera 48 MP với loạt công nghệ mới chiếm 11% chi phí sản xuất, đắt hơn iPhone 13 Pro Max. Sony là nhà sản xuất cảm biến, trong khi Sunny Optical, Largan Digital và GSEO cung cấp thấu kính 7 lớp.

Thống kê nhấn mạnh modem 5G trên iPhone 14 Pro Max rẻ hơn thế hệ trước do linh kiện này ngày càng phổ biến. Qualcomm, Qorvo, Skyworks, Broadcom là những công ty sản xuất modem 5G cho iPhone 14 Pro Max.

- Apple phát hành iOS 16.3.1

Apple vừa phát hành iOS 16.3.1, iPadOS 16.3.1 và watchOS 9.3.1, vá lỗi cũng như cải thiện hiệu suất cho iPhone, iPad và Apple Watch.

Trước đó, vào ngày 23/1, Apple đã tung ra iOS 16.3, iPadOS 16.3, watchOS 9.3. Các tính năng quan trọng nhất của bản cập nhật này là hỗ trợ khóa bảo mật, bổ sung khả năng tương thích với các cảm biến trong HomePod và HomePod mini.

Người dùng có thể tải iOS 16.3.1, iPadOS 16.3.1 và watchOS 9.3.1 trên các thiết bị tương ứng. Chúng bao gồm các bản vá lỗi thông thường, cải thiện hiệu suất. Theo Apple, nó vá lỗi trong cài đặt iCloud, “có thể không phản hồi hay hiển thị không chính xác nếu ứng dụng đang sử dụng iCloud”. Bản vá thứ hai xử lý lỗi Siri gửi yêu cầu đến Find My thất bại.

Ngoài ra, iOS 16.3.1 tối ưu hóa tính năng phát hiện va chạm trên iPhone 14 và 14 Pro. Theo Macrumors, dường như tính năng này nhằm xử lý tình trạng báo cáo va chạm từ các khu trượt tuyết, công viên giải trí tăng vọt. Đặc biệt, tại các khu trượt tuyết, nhân viên cứu hộ liên tục nhận được các cảnh báo giả, gây ảnh hưởng đến nguồn lực nếu xảy ra tình huống khẩn cấp.

- Gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập và sử dụng internet

Khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet nhưng chỉ có 36% trẻ em được dạy về an toàn mạng.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới, tỷ lệ người dùng internet trên thế giới là 62,5% trong khi đó ở Việt Nam là 73,2%. Trên thế giới số người thường xuyên sử dụng mạng xã hội là 58,4%, trong khi đó Việt Nam là 78,1%.

Năm 2022, 72,1 triệu người Việt Nam dùng internet. Số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Thời gian sử dụng internet hằng ngày trung bình là 6 giờ 38 phút, trong đó sử dụng mạng xã hội hơn 2 giờ.

Mục đích sử dụng internet là dùng để liên hệ kết nối với bạn bè người thân chiếm 71,4%; tìm kiếm thông tin 69%; theo dõi tin tức và sự kiện 68,4%; xem các đoạn video, chương trình truyền hình, phim ảnh là 59,6%; nghe nhạc 53,5%; giáo dục và học tập 46,4%, kết bạn mới là 43%, chơi game 39,4%.

Ở Việt Nam, khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em sử dụng internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày, thời gian 5 đến 7 tiếng/ngày. Tuy nhiên chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.

- Hàn Quốc ra mắt chip AI, cạnh tranh với Nvidia

Hàn Quốc ra mắt con chip dùng cho tác vụ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bởi doanh nghiệp nội địa, đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm cạnh tranh với các công ty lớn dẫn đầu ngành như Nvidia.

Theo Reuters, vi xử lý có tên là ATOM, được thiết kế bởi công ty khởi nghiệp Rebellions và sản xuất trên dây chuyền của Samsung. Qua đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng bày tỏ sự tin tưởng vào các doanh nghiệp nội địa trong kỷ nguyên bùng nổ AI ngày nay.

Theo chuyên gia phân tích chip Mark Lipacis của Jefferies, tính đến tháng 12/2022, Nvidia, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, có thị phần lớn về dòng chip AI cao cấp, chiếm khoảng 86% sức mạnh xử lý của 6 dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Hãng chip này là một trong những công ty được hưởng lợi lớn nhất khi cơn sốt ChatGPT kích hoạt một cuộc chạy đua đầu mới vào các hệ thống AI.

Với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp chip nội địa, chính phủ Hàn Quốc dự định đầu tư hơn 800 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong vòng 5 năm tới nhằm tăng thị phần chip AI tại các trung tâm dữ liệu trong nước từ 0% lên 80% vào năm 2030.

- Vì sao nhiều trường đại học trên thế giới cấm sinh viên sử dụng ChatGPT?

Theo CCTV, để ngăn ngừa việc sinh viên ỷ lại vào chatGPT và tránh gian lận, các trường ở nhiều quốc gia đã có lệnh cấm sinh viên sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để làm hoàn thành bài vở và sử dụng trong kỳ thi ở trường.

Hiện ChatGPT bị cấm ở một số trường công tại New York và Seattle. Một số trường đại học khác cũng có kế hoạch giảm các bài kiểm tra làm tại nhà và tăng bài nói và viết.

Các trường đại học ở Australia, Ấn Độ và Anh cũng cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, đặc biệt trong khuôn viên trường và các kỳ thi.

Một trường đại học hàng đầu ở Pháp cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài tập về nhà. Nếu như sinh viên nào bị bắt gặp sử dụng chatbot sẽ bị phạt mức cao nhất, có thể là đuổi học.

Vài trường ở Australia cho biết sẽ thay đổi định dạng các bài thi để sinh viên không thể dùng AI làm công cụ khi làm bài và coi đó là hành vi gian lận.

Các giáo sư đại học cho rằng dựa vừa công cụ AI để làm bài tập về nhà đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ mất dần khả năng tư duy độc lập dẫn tới giảm hiệu quả học tập. Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ và năng lực học tập của các sinh viên.

Việt Báo (Tổng hợp)