Dạy con bằng bạo lực, có phải bạn đang bế tắc và bất lực?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 09:59, 14/02/2023
Rất nhiều cha mẹ tin rằng, trẻ không đánh không thể nên người. Nhiều người còn lý luận rằng “Chính vì ngày xưa các cụ dạy nghiêm, đánh đòn liên tục nên tôi mới được như bây giờ”. Cũng có quan điểm cho rằng, nếu không dạy con một cách cứng rắn và mạnh tay thì khi con ra ngoài xã hội khắc nghiệt sẽ không thể nào thích nghi và chống chọi lại được.
Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người lớn và ngay cả với những người làm nghề dạy học. Không ít giáo viên tin rằng việc sử dụng bạo lực là cần thiết để rèn cho những học sinh của mình vào nề nếp cho dù phần lớn họ sẽ không nói ra điều đó. Chúng ta cũng không khó để bắt gặp những phụ huynh nói với giáo viên rằng “Nếu con không chịu học, cô cứ đánh thẳng tay”. Tư tưởng sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ, cưỡng bức trẻ phải nghe lời và tuân theo dường như đã trở thành điều hiển nhiên.
Bạo lực với trẻ bao gồm cả thể chất và tinh thần
Khi nhắc đến bạo lực, phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến các hình thức gây tổn thương trên thân thể như đánh, tát… Thế nhưng nghĩa của khái niệm bạo lực trẻ em rộng hơn như vậy, nó bao gồm tất cả các hình thức bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Tức là bạo lực có thể gây ra bằng hành động (đánh, cấu, véo, tát…), công cụ (thước kẻ, cán chổi, cây roi…) hay đơn giản chỉ bằng lời nói (quát mắng, chì chiết, mỉa mai…) khiến trẻ bị tổn thương về cơ thể (bạo lực thể xác) hoặc tổn thương về tâm lý (bạo lực tinh thần).
Bản chất của bạo lực là việc ai đó dùng quyền hành hoặc thể lực của mình để khiến người khác (ở đây là trẻ) cảm thấy sợ hãi, thấp kém và phải nghe lời bằng các hình thức khác nhau. Khi bạn sử dụng đến bạo lực với trẻ, nghĩa là bạn đang thực sự bất lực và bế tắc vì không biết sử dụng phương pháp nào khác. Vì thế, bạn dùng chính quyền hành của mình để đe dọa, khiến trẻ sợ hãi và tuân theo ngay lập tức.
Dạy con bằng bạo lực hiệu quả đến đâu?
Khi bạn sử dụng bạo lực hiệu quả có thể nhìn thấy ngay lập tức đó là việc trẻ nghe lời và tuân theo mệnh lệnh của bố mẹ một cách nhanh chóng, cho dù trước đó con có thể chống đối.
Thế nhưng trẻ chỉ thay đổi về hành vi ngay lúc đó bởi vì sự sợ hãi và đau đớn. Con tuân theo ngay lập tức để giải thoát mình khỏi sự bạo lực của bố mẹ. Sự thay đổi của trẻ chỉ mang tính hình thức khi trẻ sợ hãi hoặc khi có một phần thưởng lớn. Sau đó, trẻ sẽ nhanh chóng quên đi và sẽ tiếp tục tái phạm, bởi con không hề có nhận thức rằng đó là một hành vi sai mà chỉ hành động theo bản năng của mình.
Khi bạn đặt nặng việc con phải nghe lời, hoặc con phải theo ý mình và đã sử dụng bạo lực để cưỡng chế trẻ thì rất dễ bị hấp dẫn bởi bạo lực. Nghĩa là bạn sẽ coi đó là phương pháp hữu hiệu, cách nhanh chóng và tiện lợi nhất để “rèn” còn vào nề nếp mà bố mẹ mong muốn hoặc áp đặt cho trẻ.
Hậu quả của việc này là gì?
Khi bạn sử dụng biện pháp gây tổn thương cho con để đạt được mục đích trước mắt thì chắc chắn sẽ có hậu quả.
Bạn đang dạy con mọi chuyện đều có thể giải quyết nhanh chóng bằng bạo lực
Trẻ nhỏ học mọi thứ bằng việc quan sát, ghi nhớ và thực hành. Trẻ cũng thường học theo những hành vi, cách cư xử của chính bố mẹ của mình. Chính vì thế, những đứa trẻ thường xuyên sống trong bạo lực sẽ có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề .
Trẻ luôn sợ hãi và đề phòng
Khi bố mẹ sử dụng bạo lực, con sẽ cảm thấy sợ hãi tột độ. Nỗi sợ đó sẽ ám ảnh con và khiến trẻ trở nên xa cách và luôn có tâm lý đề phòng. Bạo lực sẽ làm đứt kết nối giữa bố mẹ với con, khiến mối quan hệ ngày trở nên xa cách và trẻ chọn cách tránh xa bố mẹ để tự bảo vệ bản thân .
Trẻ bị đè nén về cảm xúc
Khi trẻ bị quát mắng, đánh đòn hay bị phạt sẽ nảy sinh những cảm giác tiêu cực . Cảm giác này dồn nén qua nhiều lần sẽ dần tới sự căng thẳng, bức bối về tâm lý. Điều này thúc đẩy trẻ đến sự phản kháng hoặc hành động tiêu cực khác.
Trẻ có xu hướng nói dối
Khi bị sợ hãi bởi bạo lực, trẻ có xu hướng che giấu bản thân bằng cách nói dối để tránh được những hình phạt của cha mẹ. Khi trẻ nói dối mà bố mẹ lại giải quyết bằng bạo lực, thì vô tình càng khuyến khích trẻ nói dối khéo léo và uyển chuyển hơn để không bị phát hiện. Có thể thấy việc sử dụng đòn roi hay quát mắng không thể giúp trẻ thay đổi về nhận thức và chỉ thay đổi về hành vi tại thời điểm bị đe dọa bởi bạo lực mà thôi.
Theo vtc.vn