Vì sao Qatar chú trọng tăng cường sức mạnh hải quân?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:16, 14/02/2023

Những năm gần đây, Qatar không ngừng chú trọng tăng cường sức mạnh hải quân với các hợp đồng mua sắm tỷ đô.

Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết tàu đổ bộ đa năng Al Fulk dài 143m, rộng 21,5m, có sức chứa khoảng 550 người sẽ sớm được biên chế cho hải quân Qatar. Tàu Al Fulk-được hạ thủy hồi cuối tháng 1 vừa qua tại Italy-nằm trong một thỏa thuận trị giá tổng cộng 5,9 tỷ USD mà Qatar ký với hãng đóng tàu Fincantieri (Italy) hồi năm 2017.

Theo đó, Fincantieri đóng 7 tàu hải quân cho Qatar (gồm 4 tàu hộ tống, 1 tàu đổ bộ, 2 tàu tuần tra). Phía Fincantieri cho biết kích thước của tàu Al Fulk phù hợp để chở theo các máy bay trực thăng NH90. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hồi tháng 3-2018, Qatar đã ký hợp đồng trị giá 3,7 tỷ USD với tập đoàn sản xuất vũ khí Leonardo (Italy) để mua 28 chiếc NH90.

Tàu Al Fulk được hạ thủy hồi cuối tháng 1 vừa qua tại Italy. Ảnh: Breaking Defense

Ngoài hai thương vụ nói trên còn phải kể đến thỏa thuận đóng 2 tàu huấn luyện mà Qatar ký với hãng đóng tàu Anadolu Shipyard (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 3-2018 cùng hàng loạt thỏa thuận đạt được bên lề Triển lãm Quốc phòng hàng hải quốc tế Doha 2018 (DIMDEX 2018) với các hãng đóng tàu Ares và Yonca-Onuk (Thổ Nhĩ Kỳ) về việc cung cấp thêm 17 tàu quân sự khác. Đến tháng 3-2022, Qatar đã ký hợp đồng với tập đoàn Leonardo để xây dựng Trung tâm Tác chiến hải quân (NOC) nhằm bảo đảm lực lượng này có đủ năng lực giám sát và kiểm soát vùng biển của Qatar.

Trang mạng Breaking Defense cho rằng việc tập trung phát triển sức mạnh hải quân "không có gì là đáng ngạc nhiên" đối với "một bán đảo giàu nhưng nhỏ" như Qatar. Sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh (một loạt các quốc gia Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi giữa năm 2017) được hóa giải vào đầu năm 2021, Qatar là quốc gia vùng Vịnh duy nhất "có quan hệ hữu hảo" với tất cả quốc gia láng giềng còn lại. Mặc dù vậy, giới lãnh đạo Qatar vẫn không ngừng chú trọng tăng cường sức mạnh hải quân nhằm giúp đất nước ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai.

"Tình hình an ninh xung quanh Qatar phức tạp. Tuy dân số ít nhưng Qatar có tiềm lực tài chính. Qatar có đường bờ biển dài và đối mặt với nhiều mối đe dọa hàng hải cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Vì vậy, việc tăng cường tiềm lực hải quân cũng là dễ hiểu", Phó giáo sư David Des Roches tại Đại học Quốc phòng Mỹ nói.

Theo nhà phân tích Andrea Krieg tại Trường King’s College London (Anh), đồng thời là Giám đốc điều hành hãng tư vấn MENA Analytica có trụ sở tại London chuyên về khu vực Trung Đông: Việc Qatar chi mạnh cho hải quân có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của nước này trong việc "thiết lập vai trò là trung gian cho các cường quốc hoạt động trong khu vực, nổi bật nhất là Mỹ và các đối tác phương Tây".

"Các tàu mà hãng Financtieri đóng cho Qatar cho phép nước này tham gia vào các sứ mệnh đa quốc gia trong khu vực, từ đó chia sẻ gánh nặng với hải quân Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, khiến Qatar trở thành một đồng minh ngày càng quan trọng trong khu vực. Qatar muốn là một nhà trung gian không thể thiếu trong khu vực. Hải quân Qatar có thể hỗ trợ mục tiêu đó", nhà phân tích Krieg nêu rõ.

Trên thực tế, theo Breaking Defense, hồi tháng 3 năm ngoái, Mỹ đã chính thức xác định Qatar là "một đồng minh quan trọng không thuộc NATO". Điều này được cho là sẽ giúp nâng cấp quan hệ đối tác nữa Doha và Washington, đem lại cho Qatar "những đặc quyền về kinh tế và quân sự" trong mối quan hệ với Mỹ.

Một câu hỏi đặt ra là liệu rằng trong tương lai, một quốc gia nhỏ như Qatar có đủ nguồn nhân lực phù hợp để vận hành các tàu hải quân nếu như nước này tiếp tục đẩy nhanh tốc độ mua sắm quốc phòng hay không? Theo các nhà phân tích, mặc dù câu trả lời là không nhưng vẫn có giải pháp để khắc phục vấn đề. "Hải quân Qatar đã thu hút được nhiều nhân lực trình độ cao trong những năm gần đây, nhiều hơn so với các lực lượng khác của quân đội Qatar. Thêm vào đó, Qatar còn dựa vào các quân nhân "mượn" từ các nước đối tác như Pakistan chẳng hạn", nhà phân tích Krieg cho biết.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư Des Roches cho rằng Qatar sẽ "tiếp bước" nhiều quốc gia vùng Vịnh khác là thuê công dân của một nước để bổ sung nguồn nhân lực vận hành các tàu hải quân. Theo ông, giải pháp này "tương đối dễ" thực hiện.

"Có khá nhiều thủy thủ có trình độ từ các nước như Philippines, Ấn Độ sẵn sàng làm việc cho hải quân Qatar khi được trả lương. Ngoài ra còn có thêm các sĩ quan đã được đào tạo từ các nước như Ba Lan chẳng hạn. Những sĩ quan này thực tế đã đảm nhiệm các vị trí chỉ huy trên các tàu hải quân của nhiều nước vùng Vịnh", Phó giáo sư Des Roches khẳng định.

HOÀNG VŨ