Kỳ lạ hiện tượng một phần Mặt trời vỡ ra thành lốc xoáy
Tin tức - Ngày đăng : 20:00, 11/02/2023
Một phần Mặt trời đã vỡ ra và biến thành lốc xoáy khổng lồ. (Nguồn: Business Insider)
Ngày 2/2 vừa qua, Đài quan sát Solar Dynamic của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ghi hình được một sự kiện bí ẩn trong vũ trụ.
"Chúng ta đang nói về Lốc xoáy cực Bắc," nhà dự báo khí tượng không gian Tamitha Skov, một thành viên của nhóm nghiên cứu, viết trên mạng xã hội Twitter.
Cô cho biết thêm rằng hình ảnh do kính thiên văn của Solar Dynamic ghi lại cho thấy một dòng plasma lớn đã tách khỏi Mặt trời, nhưng không bắn vào không gian sâu trong vũ trụ mà quanh quẩn gần bề mặt của ngôi sao này. Dường như dòng plasma này đang bắt đầu xoáy vòng quanh cực Bắc của Mặt trời.
Scott McIntosh, nhà vật lý chuyên nghiên cứu năng lượng Mặt trời và là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ, chia sẻ với trang tin Insider trong một lá thư điện tử: “Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến chuyện như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó chưa từng xảy ra trước đây.”
Dòng plasma bứt ra khỏi bề mặt của Mặt trời biến thành một cơn lốc xoáy khổng lồ. NASA đã công bố một hình ảnh cho thấy vòng xoáy này có kích cỡ gần bằng Trái đất.
Dù McIntosh chưa từng thấy một lốc xoáy plasma nào như vậy trước đây, ông vẫn chia sẻ với trang Space.com rằng một hiện tượng dị thường sẽ xuất hiện tại cùng một địa điểm trên Mặt trời, chính xác là ở vĩ độ 55, theo chu kỳ 11 năm một lần.
Nó có thể liên quan đến việc từ trường của Mặt trời sẽ đảo ngược sau mỗi vòng quay của chính nó. Tuy nhiên các cơ chế thực sự đã gây ra hiện tượng này vẫn là một bí ẩn.
Cơn lốc xoáy hình thành từ hiện tượng bắn dòng plasma khỏi Mặt trời cũng bí ẩn không kém. McIntosh nói: “Vẻ ngoài của cơn lốc xoáy này thực ra trông rất hay ho, dù rằng những quan sát ban đầu cho thấy nó khá kỳ quái."
Hiện cơn lốc xoáy plasma này đang nguội đi và trở thành một lớp tích tụ nằm trên bề mặt vùng cực của Mặt trời. Dường như nó đã sẵn sàng để bị đẩy vào không gian sâu.
Vì tất cả các vụ phun trào plasma vào không gian đều xảy ra ở cực Bắc của Mặt trời và không có vụ nào hướng về phía Trái đất nên chúng sẽ tác động gián đoạn nào đối với hệ thống định vị vệ tinh GPS và hoạt động của các sóng vô tuyến.
“Những vụ phun trào đó không gây xáo trộn cho Trái đất, mà chỉ mang tới cơ hội cho những người tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra tại các vùng cực của Mặt trời," ông cho biết thêm./.