Cụ ông dùng 800m2 đất lập chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:05, 29/03/2017
Ông Hoàng Thanh Hải, phó chủ tịch UBND phường Tây Thạnh đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện về một ngôi chợ không tên tại giao lộ đường Kênh 19/5 - T1 (P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM).
Xóa sổ chợ tự phát, bờ kênh được xây dựng xanh và đẹp hơn.
Khoảng 10 năm trước đây, con đường dọc bờ kênh giao với đường Lê Trọng Tấn, vốn là con đường đất. Trên thảm cỏ ven theo bờ kênh là một nhóm chợ tự phát kéo dài hàng trăm mét của nhiều tiểu thương từ các nơi tụ về. Chợ này bán đủ các mặt hàng nên đã thu hút nhiều khách hàng và cứ như thế - sáng nào cũng vậy - con đường trở nên đông nghẹt người đến mua. Mỹ quan của con đường, trật tự và an toàn giao thông là những vấn đề nhức nhối mà phường không có cách để giải quyết.
Cũng may, một cán bộ phường về hưu ở cạnh đó có thửa đất khá rộng. Phường đã vận động ông xây dựng lên ngôi chợ để sắp xếp bà con vào đó buôn bán. Nhờ vậy, chợ tự phát được xóa sổ. Cuộc sống của tiểu thương không còn bấp bênh như trước mà ngày một khá lên...
Chúng tôi đến thăm chợ vào lúc 10 giờ sáng. Vắng khách. Chợ rộng, 30 tiểu thương ngồi buôn bán nhưng vẫn chưa kín chỗ. Mái nhà lồng cao đủ sức che chở nắng mưa.
Ông "Năm Hấp" và gian hàng cá.
Ghé gian hàng bán cá. Những con cá tươi rói đang vẫy đuôi. Chị bán hàng là một phụ nữ trung niên nở nụ cười thân thiện. Chị Chín Diệu (41 tuổi, quê Trà Vinh) kể lại: "Mấy năm nay nhờ buôn bán ổn định nên, không còn lo sợ phập phồng như hồi bán chợ tự phát nên tôi đủ trang trải cho cả gia đình. Trước đây, nhiều lần bị phường đi kiểm tra, chúng tôi chạy nháo nhào vẫn bị tịch thu hàng, mất cả vốn".
Ghé qua hàng thịt, hàng trái cây, hàng rau xanh... hàng nào cũng đầy ắp hàng hóa và người bán tươi vui. Dường như trong ánh mắt của các tiểu thương có một chút gì hàm ơn người lập chợ.
Một chị tiểu thương bán giày dép kể lại, từ ngày chú "Năm Hấp" lập chợ đến nay, việc làm ăn của chị em tiểu thương dần đi vào ổn định. 8 năm rồi, trải qua những biến động như việc dọn vỉa hè gần đây, chị em chúng tôi thấy yên tâm vô cùng. Hỏi về ông chủ chợ, chị cho biết thêm, chú Năm có tên là Lý Văn Hấp, năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện. Hàng ngày ngoài giờ rảnh chú vẫn thường đến chợ trò chuyện cùng chị em. Nhiều khi chú còn phụ giúp chị em dọn hàng.
Khu nhà lồng chợ.
Ai cũng thương chú vì cứ nghĩ xem, 800m2 đất này nếu chú cho thuê hoặc xây dựng công trình hoặc làm cái gì gì đó thì nguồn lợi thu vào không nhỏ. Nếu như thế thì tiểu thương chúng tôi có chỗ đâu mà buôn bán.
Mỗi ngày chú thu của chị em 30.000đ là tiền vệ sinh, điện, nước. Vậy mà cuối tháng sau khi tổng kết xong chú còn đem số tiền thừa đó làm từ thiện. Mà chú Năm tới kia kìa...
Tôi nhìn theo tay chị tiểu thương. Từ xa, một người đàn ông đứng tuổi ngồi trên chiếc xe tay ga phóng vào chợ. Ông thấp người, khuôn mặt nhân từ, giọng nói hiền hậu.
Ông kể lại cho tôi nghe, miếng đất này là hương hỏa ông bà để lại. Trước đây ông định dùng để trồng cây vui thú lúc tuổi già. Đang định tiến hành thì cán bộ phường đến vận động ông lập chợ.
Ông nói: "Tôi nghĩ thôi thì mình tạo cho bà con có nơi chốn làm ăn, giúp địa phương giải tỏa được những điểm đen thì đó cũng là làm việc thiện. Từ khi có chợ, số bà con trụ với chợ từ nhiều năm nay đã có cuộc sống ổn định. Cũng mong bà con luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc mưu sinh".
Chị Chín Diệu, bán cá.
Ông Năm Hấp dùng đất hương hỏa làm việc thiện giúp người, chúng tôi tin dưới suối vàng, ông bà của ông sẽ nở nụ cười mãn nguyện. Hiện nay, chợ vẫn chưa có tên nhưng trong dân gian đã truyền nhau về ngôi chợ có tên chợ ông Năm Hấp rồi.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 29/03/2017
https://vietnamnet.vn/cu-ong-dung-800m2-dat-lap-cho-cho-nguoi-ban-hang-rong-o-sai-gon-363736.html