Tuần 6-10/2, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 145 nghìn tỷ đồng
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:54, 13/02/2023
Hút ròng gần 145 nghìn tỷ đồng
Sau khi bơm hút ở trạng thái khá cân bằng sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, từ 27/1-3/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ hút ròng rất mạnh tiền về trong bối cảnh tỷ giá USD tăng trở lại, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm.
Trong phiên ngày 10/2, NHNN hút ròng 20.000 tỷ đồng qua công cụ tín phiếu với lãi suất 4,55%/năm, trong khi không bơm tiền qua các hợp đồng repo giấy tờ có giá.
Trong 4 phiên trước đó, từ 6-9/2, NHNN cũng hút mạnh tiền về, mỗi phiên hút từ gần 10.000 tỷ đồng cho đến gần 25.000 tỷ đồng/phiên, với lãi suất từ 4,88%-5,49%/năm, khá thấp so với mức 6%/năm trong nhiều phiên trước Tết Nguyên đán.
Tổng cộng trong tuần 6-10/2, NHNN đã hút gần 85.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, NHNN bơm tiền qua các hợp đồng repo giấy tờ có giá với mức khá khiêm tốn, 1.000-3.000 tỷ đồng/phiên. Tổng cộng trong tuần 6-10/2, NHNN bơm hơn 8.400 tỷ đồng, với lãi suất 6%/năm. Một hợp đồng bán tín phiếu đáo hạn, khiến một lượng tiền 15.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường.
Tất cả các giao dịch đều có kỳ hạn 7 ngày.
Bên cạnh đó, 5 hợp đồng repo giấy tờ có giá được thực hiện trước đó (từ 30/1-3/2) đáo hạn, qua đó khiến gần 83.187 tỷ đồng được rút ra khỏi thị trường.
Như vậy, trong tuần 6-10/2, NHNN đã hút ròng gần 144.779 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng.
Trong tuần từ 27/1-3/2, NHNN bơm hút khá cân bằng.
Trong tuần trước Tết, từ 16-19/1, NHNN bơm ròng gần 12.647 tỷ đồng.
NHNN hút ròng tiền rất mạnh trở lại trong tuần 6-10/2 khi tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt.
Tỷ giá tăng mạnh, lãi suất liên ngân hàng giảm
Trên hệ thống ngân hàng, tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ mức quanh 23.600 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) trước và sau Tết Nguyên đán (11/1 tới 3/2) lên mức 23.750-23.790 đồng/USD trong tuần 6-10/2.
Tuy nhiên, giá mua USD của Vietcombank vẫn ở dưới ngưỡng 23.450 đồng/USD. Giá mua USD tại hội sở NHNN là 23.450 đồng/USD.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, NHNN buộc phải bán mạnh đồng USD để hạ nhiệt tỷ giá, qua đó khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh, từ mức đỉnh khoảng gần 110 tỷ USD trước đó về khoảng 90 tỷ USD vào đầu năm 2023 theo ước tính của VnDirect.
Trong giai đoạn đầu năm, thông thường dòng vốn ngoại tệ thường vẫn khá tích cực. Đây là giai đoạn vàng cho NHNN thường thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối và cung cấp thanh khoản cho thị trường.
Việc mua USD có thể khiến lượng tiền đồng được cung ứng ra thị trường tăng lên. Đây cũng có thể là yếu tố buộc NHNN phải hút tiền trên thị trường mở để tạo ra sự cân bằng, nhất là khi tỷ giá USD/VND tăng theo đà tăng của đồng bạc xanh trên thế giới và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm.
Trong tuần qua, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm từ mức 6,21%/năm xuống còn 5,39%/năm.
Đồng USD trên thị trường thế giới trong tuần qua bất ngờ tăng trở lại. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - sau khi tăng vọt từ mức 101,75 điểm hồi đầu tháng lên 103,75 điểm phiên giao dịch 7/2 (giờ Mỹ) và tới cuối tuần hôm 10/2 ở mức 103,6 điểm.
Trước đó, giới đầu tư lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất ở mức cao kéo dài sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp xuống đáy 53 năm. Trong tháng 1/2023, kinh tế Mỹ có thêm 517.000 việc làm, vượt xa con số dự báo 187.000 của các chuyên gia và cao hơn hẳn mức 260.000 việc làm của tháng 12/2022. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm mạnh, xuống 3,4% so với dự báo là 3,6%.
Tỷ giá USD/VND được giữ ở mức cao còn diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư không thấy tín hiệu đẩy mạnh bơm tiền sau cuộc họp tín dụng bất động sản hôm 8/2.
Trong cuộc họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội nghị tín dụng bất động sản (BĐS) ngày 8/2 nằm trong chuỗi hội nghị của NHNN về tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Thống đốc cũng cho biết, ngành ngân hàng phải cân đối nhiều mục tiêu và vì mục tiêu chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, bà Hồng khẳng định nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Trong năm 2023 NHNN tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.