Khám phá ‘siêu phẩm’ máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider thế hệ mới của Mỹ

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:54, 13/02/2023

Máy bay ném bom B-21 của Mỹ có thật sự nổi trội như những gì đã tuyên bố, số phận của máy bay này đến nay vẫn là một “ẩn số”.

Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12/2022, khả năng chiến đấu và sự phát triển tiếp theo của máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider của Mỹ đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Theo National Defense, từ tháng này, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp tục phát triển dự án, như làm thế nào để giải quyết vấn đề kinh phí, liệu 100 máy bay có thể được giao đúng tiến độ hay không, có theo “lối mòn” của dự án F-35?

Nhà sản xuất Northrop Grumman cho biết, họ đã thử nghiệm hàng nghìn thiết kế máy bay ném bom trong môi trường kỹ thuật số trước khi hoàn thiện cấu hình B-21. Máy bay ném bom này có thể được coi là một máy bay đa năng với khả năng tình báo, giám sát, trinh sát và chỉ huy chiến đấu.

Theo những thông tin được công khai, B-21 được phát triển từ máy bay ném bom B-2 nhưng có nhiều cải thiện trong thiết kế tàng hình. Máy bay sử dụng kiến ​​trúc hệ thống mở và công nghệ “chỉ huy và kiểm soát chung toàn cầu” để chia sẻ dữ liệu.

Hiện tại, Mỹ vẫn chưa tiết lộ B-21 sử dụng 2 hay 4 động cơ. Xét từ lượng khí nạp nhỏ, khả năng cao là sử dụng 2 động cơ F135. Nếu không bật đốt sau, 2 động cơ F135 có thể tạo ra lực đẩy tối đa 25,4 tấn.

B-21 chưa khẳng định được “tên tuổi” trước B-2. Ảnh: AP


Northrop Grumman gọi B-21 là máy bay thế hệ thứ 6 và là chiếc đầu tiên thuộc thế hệ này. Trên thực tế, đến nay chưa có sự công nhận chính thức nào về thế hệ của máy bay ném bom này.

Mỹ coi B-21 là máy bay thế hệ thứ 6 chứ không phải là máy bay ném bom thế hệ thứ 6. Washington dự định tích hợp nó với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 và các tính năng khác. Cách gọi của Mỹ thực chất là một sự tuyên truyền, thể hiện sự thiếu tự tin của các nhà quân sự cấp cao trong việc bảo vệ máy bay này trước hiệu quả của máy bay ném bom B-2.

Ưu điểm của cuộc tấn công này là vũ khí và đạn dược tương đối rẻ có thể được sử dụng với số lượng lớn. Ước tính, giá của tên lửa hành trình phóng từ trên không là hơn 1 triệu USD, chi phí của tên lửa siêu thanh là hơn 30 triệu USD, giá của vũ khí dẫn đường như bom dẫn đường bằng GPS có thể giảm xuống dưới 30.000 USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc B-21 không thực sự nổi trội trong một cuộc tấn công tổng lực.

Các cuộc xung đột vũ trang những năm gần đây cho thấy, tên lửa hành trình không đủ để tác chiến liên tục với cường độ cao, trong khi các loại đạn dẫn đường giá rẻ được sử dụng với số lượng lớn lại rất hiệu quả. Mặc dù B-21 có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa, nhưng mục đích sử dụng chính là dựa vào khả năng tàng hình để xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương, sau đó phóng ra một lượng lớn đạn dẫn đường. Máy bay ném bom B-2 của Mỹ cũng áp dụng phương thức tấn công này.

Trong chiến đấu cường độ cao, đối mặt với hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương, B-21 sẽ chiến đấu với sự phối hợp của các lực lượng khác. Trước tiên là sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh và các vũ khí tầm xa khác để tấn công các “nút” chỉ huy quan trọng của đối phương và các hệ thống radar chống tàng hình. Như vậy, khả năng chiến đấu độc lập của B-21 là tương đối thấp.

Ảnh: U.S. Army


Trong khi đó, đối với khả năng tàng hình, Không quân Mỹ tuyên bố, khả năng B-21 bị phát hiện là “cực thấp” chứ không phải là “rất thấp” như máy bay chiến đấu F-22 và F-35. Ngay cả những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện B-21. Tuy nhiên, không phải là không thể, B-21 có thể bị phát hiện bởi các hệ thống phòng không chứ không phải radar. Do cự ly phát hiện của radar dẫn đường trong hệ thống phòng không tương đối ngắn.

Hiện nay, nhiều loại radar có khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình. Chúng được trang bị trên hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hay Aegis của Mỹ đều có thể phát hiện mục tiêu tàng hình cỡ quả bóng golf từ khoảng cách 160km.

Radar SPY-6 với công nghệ mảng pha chủ động tiên tiến có độ nhạy cao hơn và có thể phát hiện mục tiêu tàng hình ở khoảng cách xa hơn. Ngoài ra, các loại radar chống tàng hình khác như radar vượt đường chân trời, radar thụ động và radar bức xạ cũng có thể phát hiện các mục tiêu như B-21 ở khoảng cách xa hơn.

National Defense cho rằng, khi dự án B-21 tiếp tục phát triển trong tương lai, các dự án liên quan khác cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, điều này có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh giành kinh phí khốc liệt hơn trong Bộ Quốc phòng Mỹ.