Bộ đội Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ: 'Giờ vàng' đã hết nhưng vẫn còn cơ hội
Tin thế giới - Ngày đăng : 09:05, 13/02/2023
Tối 12/2, tại sân bay Nội Bài, đoàn công tác gồm 76 quân nhân Việt Nam lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để cứu trợ nước bạn sau thảm họa động đất.
Trao đổi với Zing trước giờ lên đường, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Việt Nam tại hiện trường Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết đã 7 ngày trôi qua kể từ thảm họa, nhưng lực lượng vẫn kỳ vọng tìm được nạn nhân còn sống. Đây là nhiệm vụ được ưu tiên số một.
Hy vọng sau "72 giờ vàng"
Nói về nhiệm vụ cứu sống các nạn nhân, vị tướng có nhiều năm tham gia cứu nạn tại Việt Nam cho biết theo lý thuyết thì 72 giờ vàng cứu nạn đến nay đã hết. Tuy nhiên, thực tế còn tùy theo sự cố để tính toán, như trường hợp đắm tàu trên biển thì ngư dân vẫn sống được hàng tuần liền.
Ông cho rằng trong các đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn những khe hở, không gian rộng để cung cấp dưỡng khí, thậm chí còn lương thực để sinh tồn, kéo dài sự sống.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ có mặt tại sân bay Nội Bài trước giờ dẫn đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: QPVN. |
"Vẫn còn cơ hội cứu người còn sống, dù tỷ lệ thấp hơn nhiều so với trong 72 giờ vàng. Thực tế vừa qua công an Việt Nam vẫn cứu sống được cháu bé 14 tuổi", thiếu tướng Tỵ chia sẻ. Vị tổng chỉ huy cho biết phương pháp làm việc của quân đội khi sang Thổ Nhĩ Kỳ là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ của nước bạn nên chỉ mang theo trang thiết bị gọn nhẹ, chuyên dụng, còn các trang thiết bị lớn sẽ huy động tại chỗ.
Nhiệm vụ thứ 2 của đoàn là tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị vùi lấp. Đây là lý do bộ đội Việt Nam phải mang theo đội cảnh khuyển tinh nhuệ, đã từng tham gia nhiều cuộc tìm kiếm cứu nạn sau thiên tai.
Nhiệm vụ thứ 3 là hỗ trợ giúp người dân nước bạn trong thời điểm khó khăn thông qua hàng hóa, thuốc men và trang thiết bị cứu trợ mà đoàn mang theo.
"Điều này thể hiện trách nhiệm, vị thế của đất nước chúng ta trước bạn bè quốc tế và trong quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ", thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ.
Chưa hẹn ngày về
Thiếu tướng Tỵ cho biết tư trang hậu cần mang theo đủ cho các chiến sĩ làm việc trong một tháng, tuy nhiên thực tế đây là chuyến đi chưa hẹn ngày về. Đoàn sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ đến khi "hoàn thành nhiệm vụ".
Trong chuyến hành quân cứu trợ lần này, Bộ Quốc phòng đã lựa chọn lực lượng tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm "thực chiến", nhưng đồng thời cũng là những người lính trẻ tuổi, có người chưa lập gia đình.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chỉ đạo tại hiện trường sự cố sập hầm Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt năm 2014 (khi đó ông là đại tá). Ảnh: Hanoimoi. |
Trong đó, lực lượng công binh đã trải qua huấn luyện, diễn tập và kinh qua nhiều tình huống cứu nạn tại Rào Trăng. Các bác sĩ, y sĩ trong đoàn cũng đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, có kinh nghiệm hỗ trợ y tế và cứu trợ thảm họa.
Khi được hỏi về nhiệm vụ bảo toàn lực lượng để trở về nước sau nhiệm vụ, thiếu tướng Tỵ cho biết Bộ Quốc phòng và đoàn công tác đã có kế hoạch cụ thể. Quan điểm của cấp chỉ huy là phải bảo đảm an toàn được lực lượng.
"Nhưng mất mát của nước bạn là quá lớn lao, chúng tôi cũng phải giữ tinh thần trách nhiệm cao nhất để giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sớm khắc phục sự cố này", ông nói.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cũng là "nhân chứng sống" tham gia cuộc giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) năm 2014. Khi đó ông là đại tá - Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, tổng chỉ huy các lực lượng giải cứu.
Người đồng đội gắn bó với thiếu tướng Tỵ tại Cục Cứu hộ cứu nạn là thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng. Ông Hùng cũng trực tiếp tham gia cuộc giải cứu Đạ Dâng, sau đó không may hy sinh trong cuộc giải cứu Rào Trăng năm 2020 khi đang giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn.