Độc lạ làng nghề tạo tượng từ những cây cổ thụ đã chết, giá hàng trăm triệu
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:00, 12/02/2023
Ngày 12.2, PV đã có mặt tại làng nghề Sơn Lâm, xã Lâm Sơn. huyện Lương Sơn hoạt động làm việc của người dân tại các xưởng chế tác gỗ diễn ra sôi nổi dịp đầu xuân.
Theo người dân nơi đây, làng nghề chế tác gỗ lũa được hình thành từ năm 1994. Khi ấy, có vài hộ ở xóm Đoàn Kết nhận thấy ở địa phương mình có sẵn nguyên vật liệu gỗ có hình thù đặc biệt và độc đáo, thích hợp cho việc trưng bày trang trí và có thể làm phôi điêu khắc nên nảy sinh ý tưởng tự chế tác.
Qua nhiều năm làm và tích lũy kinh nghiệm, những sản phẩm của địa phương ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng cũng được nâng cao.
Nghề chế tác gỗ lũa tại xã Lâm Sơn tuổi đời đã gần 30 năm, hiện có 52 hộ gia đình làm nghề chủ yếu tập trung tại 2 xóm Đoàn Kết và Rổng Tằm. Làng nghề ngày một phát triển, số thợ lành nghề cũng tăng lên đến hơn 100 người trong toàn xã và có những thợ chính tuổi đời còn rất trẻ.
Anh Nguyễn Bá Cường (28 tuổi, chủ cơ sở Đồ gỗ mỹ nghệ Bá Cường) cho biết: “Từ bé, tôi đã cảm thấy hứng thú khi xem các ông, các bác trong xóm đục đẽo tượng nên sau khi học xong cấp 3, tôi xin bố mẹ theo nghề này.
Khác với tượng gỗ thông thường, mỗi sản phẩm từ gỗ lũa đều có sự khác biệt bởi vẻ đẹp tự nhiên và sáng tạo của người thợ dựa theo thế khúc gỗ lũa”.
Cũng theo anh Cường, gỗ lũa chính là phần lõi gốc của các cây cổ thụ đã bị chết. Vì là lõi cây rất cứng nên không bao giờ bị mục nát, mối mọt có thể sử dụng trong thời gian dài. Đồng thời, phần gỗ lũa của mỗi cây có hình dáng, vẻ đẹp riêng biệt nên sẽ cho giá trị khác nhau.
“Những sản phẩm gỗ lũa thường có giá trị từ vài triệu (sản phẩm nhỏ) đến vài trăm triệu, bức tượng có giá cao nhờ vào hình đáng đặc biệt của phần lũa và chất gỗ” – anh Cường chia sẻ thêm.
Không chỉ cần năng khiếu hay tay nghề, mà để có một tác phẩm tâm đắc thì người thợ phải có tình yêu với nghề, từ đó những bức tượng sẽ được thổi hồn tạo nên tâm trạng, cảm xúc khiến người xem như được đồng cảm.
Tại làng nghề Lâm Sơn, phần lớn các sản phẩm làm từ gỗ lũa đều đẽo thành các bức tượng như: Thần tài di lặc, Đạt ma sư tổ, các linh vật, động vật, cây cối... Đặc biệt là một số tượng có tư thế ôm đá có giá trị rất cao nhờ sự độc lạ.
Nghề chế tác gỗ lũa còn mang lại một khoản thu nhập ổn định, giúp người dân xã Lâm Sơn có cuộc sống đủ đầy hơn. Theo đó, tiền công của người thợ từ 300 – 500 nghìn/ngày, đối với thợ tay nghề cao thì mức lương còn có thể cao hơn.
Song song với nghề gỗ lũa, người dân Lâm Sơn còn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Nhờ sự đặc biệt đó, vào năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thành lập làng nghề gỗ lũa, đá cảnh xã Lâm Sơn.
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Nghề chế tác gỗ lũa đã có mặt tại địa phương từ rất lâu, nó mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Trong xã có nhiều nghệ nhân tay nghề cao, chế tác ra những tác phẩm có giá trị lớn, tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Những năm gần đây, do dịch bệnh nên làng nghề Lâm Sơn cũng chịu nhiều ảnh hưởng, đến nay đang dần được phục hồi”.
Một số hình ảnh ghi nhận lại làng nghề Lâm Sơn - Hình ảnh ghi nhận ngày 12.2.2023: