Qua cầu Tham Lương nhớ về những trận chiến vang lừng
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:15, 03/04/2017
Cầu Tham Lương ngày nay. Một bên là phường 15, Q. Tân Bình, một bên là phường Tân Thới Nhất, Q. 12.
Đánh đuổi quân Nguyễn Ánh
Trong Đại Nam nhất thống chí có viết: "Tham Lương kiều ở huyện Bình Dương. Cầu dài 9 trượng. Trùng tu năm Minh Mạng thứ 17. Nơi đây từng là nơi giao tranh giữa quân của Tiết chế Tôn Thất Dụ với quân Tây Sơn vào năm Nhâm Dần...".
Cầu bắc ngang kênh Tham Lương - nối rạch Chợ Cầu với rạch Bà Hom - chảy qua rạch Chợ Đệm thông ra sông Bến Lức. Nhờ con kênh này, nước sông Sài Gòn được hòa vào với sông Vàm Cỏ Đông.
Kênh Tham Lương ghi dấu những trận giao tranh giữa nghĩa quân và thực dân Pháp.
Cây cầu nguyên thủy được phá bỏ vào cuối thập niên 1960 và xây dựng lại. Sau 1975, lưu lượng xe cộ qua lại tăng cao, cầu tiếp tục được xây dựng lại một lần nữa cho đến hôm nay.
Vừa qua khỏi cầu Tham Lương là đến vùng đất địa linh "18 thôn vườn trầu". Nơi đây dân cư đông đúc, trầu cau tươi tốt quanh năm. Nhờ con đường qua cầu Tham Lương chạy thẳng đến Tây Ninh để qua xứ Chùa Tháp còn gọi là con đường sứ đã biến vùng đất này có một vị trí chiến lược quan trọng.
Ngược dòng lịch sử - 235 năm trước - năm 1782 nơi đây đã xảy ra trận chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc và quân của Nguyễn Ánh. Cả 2 bên đều có những tổn thất đáng kể.
Quân của Nguyễn Ánh có lực lượng của đạo binh Hòa Nghĩa do Lý Tài cầm đầu. Năm 1773, 3 anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở Tây Sơn (Bình Định), Lý Tài là một thương gia người Hoa giàu có. Dưới tay hắn còn có nhiều dũng sĩ và quân lính. Lý Tài dẫn quân theo về giúp Nguyễn Nhạc lập được nhiều công trạng.
Năm 1775, Lý Tài làm phản, bỏ Nguyễn Nhạc kéo quân vào nam chiếm núi Châu Thới làm bản doanh và thần phục Nguyễn Ánh. Chính Lý Tài đã đem binh đánh lại quân của Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Nhạc rất tức giận nhưng cũng phải mất 7 năm sau mới kéo quân vào nam giao tranh với Nguyễn Ánh và tiêu diệt đạo binh Hòa Nghĩa tại ngay cầu Tham Lương. Thừa thắng, Nguyễn Nhạc kéo quân vào thành Phiên An (Sài Gòn ngày nay) trừng trị những kẻ phản bội
Sau trận đánh cầu Tham Lương quân Nguyễn Ánh phải thêm một lần tháo chạy lui hẳn về phương nam trước khi cầu viện quân Pháp.
Kháng Pháp, Anh chống cả Nhật
Nói đến cầu Tham Lương không thể không nhắc đến "18 thôn vườn trầu" bởi nơi đây là vùng đất sản sinh ra nhiều nhà yêu nước. Chúng ta không thể quên được nghĩa quân của cha con Trương Định - Trương Quyền (1859-1867) từng đặt 1 căn cứ liên lạc chống Pháp tại vùng có tên là Bà Điểm (nay là xã Bà Điểm).
Nguyễn Ảnh Thủ cũng lấy nơi đây là căn cứ phát động khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1871.
Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Văn Hớn. Vốn là một nông dân giỏi võ, mưu trí, được dân trong vùng tín nhiệm cử làm Hương quản, trông coi việc an ninh trong làng.
Đốc phủ Trần Tử Ca, một tay sai đắc lực cho Pháp không hài lòng ông bởi ông thường bênh vực người dân chống lại bọn cường hào.
Ông bị Ca vu cho tội bạo loạn bị Pháp xử 5 năm tù giam tại Côn Đảo. Mãn hạn tù ông trở về hợp cùng Nguyễn Văn Quá chiêu tập nghĩa quân chống lại Pháp.
Giao thừa Tết Ất Dậu (1885), cả 2 ông cùng hơn một ngàn nghĩa quân chia làm 3 mũi tấn công vào dinh huyện bắt đốc phủ Trần Tử Ca.
Rồi đến năm 1940, truyền thống cách mạng của Bà Điểm - Hóc Môn một lần nữa được thể hiện rõ nét qua cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Người dân của "thập bát phù viên" đã nổi lên chống cả Pháp lẫn Nhật.
Theo tài liệu của nhà giáo Trần Sĩ có ghi lại: "Rồi đến năm 1945, Cách mạng mùa thu toàn thắng. Thực dân Pháp còn manh tâm theo gót quân Anh sang đánh lấy lại nước ta. Dân quân Bà Điểm - Hóc Môn đứng lên kháng chiến chống Pháp. Mặt trận xảy ra hai bên bờ kênh Tham Lương.
Ban đêm, dân quân cách mạng với vũ khí thô sơ xuất hiện bên này bắn qua bên kia kênh. Liên quân Anh Pháp rối loạn nổ súng bắn lại. Chẳng sợ chết, dân quân lội qua kênh xáp chiến. Họ cương quyết đấu tranh giành độc lập tự do. Xác địch nổi lềnh bềnh dưới cầu Tham Lương. Thây địch phơi đầy ngổn ngang bên lộ...".
Ngày nay, mỗi ngày có hàng ngàn xe chở người qua lại trên cầu, qua những con đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Quá.
Từ Tân Bình về Hóc Môn, vừa đổ dốc cầu Tham Lương phía bên trái là đường Phan Văn Hớn. Con đường này đi thẳng đến xã Bà Điểm.
Nhưng có lẽ mấy ai nhớ nơi đây đã từng ghi dấu những chiến công của anh hùng liệt sĩ, của người dân "18 thôn vườn trầu" đã hi sinh thân mình, bất chấp hiểm nguy đấu tranh giành độc lập cho quê hương xứ sở.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 02/04/2017
https://vietnamnet.vn/qua-cau-tham-luong-nho-ve-nhung-tran-chien-vang-lung-364166.html