Nhân lực trẻ, giá rẻ đang giúp các 'ông lớn' công nghệ gia tăng lợi nhuận?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 12:39, 12/02/2023
“Ông lớn” FPT lợi nhuận dẫn đầu
Công ty Cổ phần FPT (mã: FPT) vừa công bố báo cáo tài chính quý cuối cùng của năm 2022 đạt hơn 13.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.619 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, FPT đạt 44.000 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 6.476 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo FPT, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 58% doanh thu và 48% lợi nhuận trước thuế. Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2021.
Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, như Bắc Mỹ tăng tăng 50%, châu Á - Thái Bình Dương tăng 36,4%. Tại thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động giảm giá của đồng yên nhưng doanh nghiệp cũng đạt tăng trưởng 16%.
Trong năm 2022, cổ phiếu FPT ghi nhận mức tăng đột biến hồi tháng 4, từ mức 77.000 đồng/cp lên mức 94.000 đồng/cp. Năm qua, cổ phiếu FPT trụ vững trước tác động đi xuống mạnh của toàn thị trường. Kết thúc năm 2022, cổ phiếu FPT vẫn duy trì ở mức cao, đạt hơn 80.000 đồng/cp.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã: CMG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 (từ ngày 1/10/2022 đến 31/12/2022) với doanh thu thuần đạt 2.302 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế từ đầu năm 2022 (từ 1/4/2022 đến 31/12/2022) doanh thu đạt 5.832 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 305 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo CMC, lợi nhuận tăng trong kỳ chủ yếu đến từ dự án mới: “Không gian sáng tạo CMC tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đồng thời, các khối kinh doanh chiến lược tập đoàn tiếp tục có tăng trưởng lợi nhuận tốt ở mức 14%, đặc biệt khối kinh doanh quốc tế tăng trưởng lợi nhuận trên 50%.
Kết thúc năm 2022, thị giá cổ phiếu tăng không đáng kể so với hồi đầu năm, hiện quanh mức 42.000 đồng/cp. Tuy nhiên, có thời điểm trong năm, cổ phiếu CMG tăng vọt lên mức 55.000 đồng/cp, nhưng sau đó nhanh chóng lao dốc xuống còn 36.000 đồng/cp.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Viễn Thông - Tin học - Bưu điện (mã: ICT), doanh thu thuần của ICT đạt 250 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu đạt 1.291 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ICT, nguyên nhân lợi nhuận giảm bởi chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ, chủ yếu năm 2021 có hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng bảo hành các dự án hết hạn bảo hành chưa sử dụng hết. Cũng như, nguyên nhân từ tình hình dịch Covid-19 trong năm 2022 diễn ra hết sức phức tạp, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến sự Nga - Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các thiết bị nhập khẩu của nhiều dự án bị chậm giao hàng hoặc không đặt được hàng.
Tính đến cuối năm 2022, thị giá cổ phiếu ICT giảm 33,3% so với mức đỉnh hồi tháng 4/2022. Kể từ khi bước sang năm 2023, cổ phiếu bặt đầu có dấu hiệu phục hồi, từ mức 13.000 đồng/cp lên quanh mức 15.000 đồng/cp.
Lợi thế cạnh tranh
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, ngành CNTT của Việt Nam đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh về con người khi tham gia thị trường toàn cầu. Cụ thể, VDSC cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam trẻ và có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới.
Theo thống kê của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC, độ tuổi từ 20-29 chiếm tỷ trọng lên tới 51% tổng số lập trình viên tại Việt Nam. Đồng thời, chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, chỉ khoảng 18 USD/giờ, bằng 64% tại các quốc gia Châu Á và chỉ bằng 10% tại Mỹ.
Do đó, khách hàng tới từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và châu Á - Thái Bình Dương đã chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho sự hợp tác phát triển công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC vẫn lưu ý những biến động từ kinh tế vĩ mô thế giới có thể tác động tiêu cực tới triển vọng kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ Việt Nam. Một trong số đó là tỷ giá JPY/VND khi Nhật Bản là thị trường lớn đối với nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm của Việt Nam. Do vậy, đồng yên giảm giá sẽ có tác động tiêu cực khi chuyển doanh thu về Việt Nam.