Quân sự thế giới hôm nay (11-2): NATO hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:36, 11/02/2023
* Theo tờ Daily Sabah, các nước đồng minh NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả trận động đất khủng khiếp có tâm chấn tại Kahramanmaraş. Trận động đất được coi là “thảm họa thế kỷ” và trực tiếp ảnh hưởng đến 10 tỉnh ở miền Nam nước này khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Theo quyết định nói trên, các đồng minh NATO sẽ gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống trú ẩn bán kiên cố khép kín để hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi động đất.
Hệ thống trú ẩn an toàn này bao gồm các tổ hợp sở chỉ huy dã chiến thường được trang bị cho các lực lượng tham gia tập trận và các hoạt động của NATO, gồm hệ thống sưởi, máy phát điện và khu vực điều trị y tế, hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn.
Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “thảm họa thế kỷ”. Ảnh: Foreign Policy |
Liên quan các hoạt động hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất “thảm họa thế kỷ”, Việt Nam đã cử lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia công tác khắc phục hậu quả.
* Bộ Quốc phòng Đức xác nhận Airbus sẽ tiếp tục vận hành và hỗ trợ các hệ thống liên lạc vệ tinh quân sự của nước này. Theo đó, Airbus mới ký hợp đồng kéo dài vận hành vệ tinh COMSATBw-1 và COMSATBw-2 cho tới hạn cuối là ngày 31-12-2028. Tổng giá trị hợp đồng là 56,7 triệu USD với điều khoản Airbus sẽ tiếp tục đảm bảo quyền tiếp cận liên tục và an toàn của Đức đối với hệ thống vệ tinh và duy trì vệ tinh luôn trong vị trí thuận lợi nhất cung cấp hoạt động thông tin liên lạc cho quân đội Đức.
COMSATBw-1 và COMSATBw-2 là 2 vệ tinh địa tĩnh hình thành một phần mạng lưới liên lạc vệ tinh rộng khắp của Bộ Quốc phòng Đức. Hệ thống 2 vệ tinh bao gồm cả vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất và trạm thu phát chiến lược mặt đất có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động viễn thông an toàn cho người dùng quân sự, bao gồm cả đường truyền dữ liệu, giọng nói, hình ảnh động và các ứng dụng đa phương tiện. Bắt đầu được chính thức đưa vào vận hành năm 2010, vệ tinh COMSATBw sử dụng băng tần UHF (tần số cực cao ) và SHF (siêu cao tần).
* Mỹ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ra vùng biển Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng leo thang với một số quốc gia Đông Á. Theo FoxNews, tên lửa bắn thử nghiệm là Minuteman III không mang đầu đạn được bắn đi từ căn cứ Vandenberg ở California. Theo thông báo của Không quân Mỹ, đây là một hoạt động “thường quy”, nhằm khẳng định khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, đáng tin cậy và hiệu quả.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III. Ảnh: Atomic Archive |
Tướng Thomas A. Bussiere, Tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến toàn cầu Không quân Mỹ cho biết: “Vụ phóng thử khẳng định trọng tâm sứ mệnh răn đe... đảm bảo với nước Mỹ và các đồng minh rằng hệ thống vũ khí hoạt động bình thường và Không quân Mỹ luôn sẵn sàng...”. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vụ phóng thử tên lửa thu hút sự chú ý của giới quân sự thế giới khi Triều Tiên duyệt binh và căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
* Theo Reuters, Iran đã bắt giữ nghi phạm “chủ mưu” vụ tấn công ngày 29-1 vào một đơn vị quân sự ở thành phố Isfahan bằng thiết bị bay không người lái. Iran cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Vụ tấn công vào căn cứ quân sự diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây gia tăng. Thông tấn nhà nước IRNA thông báo: “Những thủ phạm chính của âm mưu phá hoại bất thành một trung tâm công nghiệp của Bộ Quốc phòng ở Isfahan... đã được xác định và bắt giữ”.
* Ủy ban Quốc phòng nghị viện Anh đánh giá việc rút quân khỏi Afghanistan là một chương đen tối trong lịch sử quân sự Vương quốc Anh. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Vương quốc Anh Tobias Ellwood nhận xét chính phủ Anh nên tiến hành đánh giá lại việc thực thi nhiệm vụ 20 năm ở Afghanistan của mình “để có cái nhìn đúng đắn về việc chúng ta đã sai ở đâu. Chỉ thông qua đó chúng ta mới có thể rút ra được những bài học cần thiết và không để xảy ra những việc tương tự trong tương lai”.
“Sự lạc quan quá mức và những thất bại trong phân tích tình báo khiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là một bất ngờ lớn đối với NATO”. Ảnh: PA |
Trước đó, ngày 10-2, Ủy ban Quốc phòng liên đảng đã đưa ra một báo cáo dài 30 trang cho biết một “một bản đánh giá cởi mở, trung thực và chi tiết” là “đặc biệt quan trọng và thiết yếu” và hữu ích trong nỗ lực không ngừng nhằm bổ sung, cập nhật chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại của chính phủ. Cũng theo báo cáo này, việc Vương quốc Anh rút khỏi Afganistan ngay sau khi Mỹ rút quân cho thấy năng lực hạn chế của đồng minh NATO khi thực hiện các hoạt động quân sự mà không có sự tham gia của Mỹ. Báo cáo cũng chỉ trích các chiến dịch tình báo của phương Tây ở đây: “Sự lạc quan quá mức và những thất bại trong phân tích tình báo khiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là một bất ngờ lớn đối với NATO”.
Về lý thuyết, NATO không thua trận ở Afghanistan, nhưng việc NATO rút quân khỏi quốc gia châu Á này để lại bất lợi lớn cho chính phủ và người dân Afghanistan khi đó và là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự sụp đổ trước Taliban.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)