5 đặc sản hương vị đậm đà, phải mua làm quà khi đến Trà Vinh
Ẩm thực - Ngày đăng : 09:59, 11/02/2023
Dừa sáp
Nhắc đến đặc sản Trà Vinh, người ta nhớ ngay đến dừa sáp. Đây là loại quả nổi tiếng của vùng đất này, được thực khách thập phương yêu thích, sẵn sàng chi vài trăm nghìn để mua.
Ở Trà Vinh, dừa sáp Cầu Kè là nổi tiếng nhất. Sở dĩ loại quả này được xem là "hiếm có khó tìm" bởi cả buồng hơn chục quả cũng chỉ thu được 2-3 trái dừa sáp mà thôi.
Dừa sáp là loại qủa đắt đỏ, có giá từ 13.000 – 200.000 đồng/quả (Ảnh: Mạc Cẩm Giang).
Dừa sáp có lớp vỏ giống các loại dừa nước nhưng bên trong lại đặc ruột, phần cơm trắng ngà, dẻo mịn như kem tươi. Quả này chứa rất ít nước, đặc sánh, màu như thạch rau câu. Quá trình nước dừa từ từ cô đặc lại rồi phình ra, tạo thành lớp xốp mềm bên trong. Cũng bởi lẽ đó mà nó được gọi là dừa sáp hay dừa kem.
Theo người dân địa phương, dừa sáp được chia thành 5 loại, tùy theo hình dạng và màu sắc bên ngoài, bao gồm dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng.
Bánh tét Trà Cuôn
Không giống bánh chưng miền Bắc hay bánh tét miền Nam, bánh tét Trà Cuôn của người Trà Vinh được gói bằng lá chuối xiêm hay lá lùng – loại lá đặc trưng của vùng đất này.
Bánh có phần vỏ làm từ bột nếp, có thể gồm nhiều màu từ rau củ quả tự nhiên như màu xanh của lá ngót, màu tím của lá cẩm,… và phần nhân là đậu xanh bọc cùng thịt mỡ, tôm khô, trứng muối.
Đến Trà Vinh, du khách có thể mua bánh tét Trà Cuôn tại các cửa hàng ven đường Điện Biên Phủ. Ngoài ra, Hai Lý, Cô Vui, Cô Hường cũng là những thương hiệu bánh tét ngon nổi tiếng tại vùng đất này (Ảnh: Ăn vặt Linh, Hanh Le).
Khi thưởng thức, thực khách cắt bánh thành các khoanh nhỏ, từ từ lột lớp lá bọc bên ngoài ra và thấy bên trong các nguyên liệu có màu sắc rất bắt mắt. Vỏ bánh mềm dẻo, thơm, hòa quyện với vị beo béo của đậu xanh, chút vị mặn mà của thịt mỡ, trứng muối, tôm khô, khiến ai ăn một lần cũng nhớ.
Trái quách
Ngoài dừa sáp, Trà Vinh còn có một loại quả đặc sản độc đáo khác không kém phần nổi tiếng là trái quách. Loại quả này có vị ngọt, thanh mát và mùi rất thơm.
Thông thường, khi trái quách vừa chín tới và rụng xuống, người địa phương sẽ thu hoạch và chờ thêm vài ngày để quả ngon, thơm hơn.
(Ảnh: Gấu Kute).
Khi thưởng thức, người ta sẽ dùng dao xẻ đôi trái quách, lấy muỗng múc hết phần ruột cho vào ly, thêm đường và đá bào rồi đánh đều tay cho các nguyên liệu hòa quyện.
Tuy chế biến đơn giản nhưng từ trái quách, người Trà Vinh đã sáng tạo nên thức uống giải nhiệt bình dân, thanh mát. Với những người lần đầu thưởng thức, không dễ để trải nghiệm mùi thơm và hương vị của loại quả này nhưng khi đã quen sẽ thấy thích.
Tôm khô Vinh Kim
Một trong những đặc sản được thực khách lựa chọn mua về làm quà khi du lịch Trà Vinh là tôm khô Vinh Kim. Loại hải sản này nổi tiếng nhờ độ tươi ngon, khô, thơm, vị vừa ăn, không quá mặn.
Tôm được tuyển chọn tỉ mỉ từ những con tôm bạc ở vùng ven biển nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô vùng khác, có màu đỏ tự nhiên (như màu men gạch), thịt chắc và vị ngọt đậm. Sau khi sơ chế sạch, tôm được đem luộc ở mức lửa vừa rồi phơi đúng cách, vừa nắng.
Ở Trà Vinh, tôm khô Vinh Kim được bày bán ở nhiều cơ sở, với giá dao động từ 90.000 – 130.000/lạng (Ảnh: Tôm khô Vinh Kim).
Bánh ú Đa Lộc
Bánh ú Đa Lộc còn có tên gọi khác là bánh bá trạng, có nguồn gốc xuất xứ từ ấp Hương Phụ, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà. Đặc biệt, món bánh này còn trở thành thức quà không thể thiếu trên mâm cỗ của các gia đình địa phương trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).
Theo người dân trong vùng, để làm được bánh ú Đa Lộc ngon nhất thì bước quan trọng là phải chọn được loại gạo nếp ngon ở tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, khi làm bánh, người ta lấy lá bồ ngót xay nhuyễn rồi lọc nước cốt, đem trộn với gạo để bánh thành phẩm có màu xanh tự nhiên, đẹp mắt.
Cũng như các loại bánh ú khác, bánh ú Đa Lộc gói được bằng lá chuối. Gói xong cột thành chùm rồi đem luộc trong thời gian vừa đủ. Khi ăn, bánh ú được cắt làm đôi. Cắn một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được độ dẻo của nếp, vị ngon đậm đà, béo thơm của phần nhân như tan trong khoang miệng (Ảnh: Badasa).
Công đoạn làm nhân bánh cũng rất quan trọng. Đậu xanh phải được đem nấu chín, sau đó nghiền thật nhuyễn rồi cho thịt mỡ và lòng đỏ trứng vịt muối vào, vo tròn đều tay.