Quan chức Ukraine nói Mỹ cung cấp tọa độ cho HIMARS
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:25, 11/02/2023
Ba quan chức cấp cao Ukraine và một quan chức Mỹ hôm 9/2 xác nhận Kiev đã yêu cầu Washington cùng các đồng minh cung cấp tọa độ hoặc xác nhận mục tiêu trong phần lớn những cuộc tập kích bằng pháo phản lực HIMARS.
Nhóm quan chức Ukraine khẳng định quân đội nước này gần như không bao giờ khai hỏa HIMARS mà thiếu có tọa độ cụ thể do lực lượng Mỹ đóng tại châu Âu cung cấp, nhấn mạnh việc chuyển giao dữ liệu mục tiêu sẽ "mang lại cho Washington niềm tin về cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev".
Quan chức Mỹ thừa nhận vai trò của nước này trong hỗ trợ Ukraine khai hỏa pháo HIMARS, nói rằng điều đó nhằm đảm bảo độ chính xác và tăng tối đa hiệu quả với số lượng rocket hạn chế. Người này thêm rằng Washington cung cấp tọa độ và thông tin "trên tư cách cố vấn", nhấn mạnh Ukraine không nhờ Mỹ quyết định mục tiêu sẽ công kích.
Các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến sẽ xác định mục tiêu muốn tập kích, báo cáo với chỉ huy để chuyển thông tin tới Mỹ nhằm tiếp nhận tọa độ chính xác hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Mỹ cũng cung cấp tọa độ mục tiêu. Quan chức Ukraine tuyên bố họ có thể tập kích mục tiêu của Nga mà không cần Mỹ hỗ trợ, nhưng không muốn lãng phí đạn HIMARS do bắn trượt nên thường tránh khai hỏa khi chưa có dữ liệu từ Washington.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Tờ Washington Post nhận định thông tin "cho thấy Lầu Năm Góc có vai trò tích cực và sâu hơn" trong chiến sự Nga - Ukraine, đồng thời đánh giá đây là "điều rất nhạy cảm đối với chính phủ Mỹ". Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và NATO "thực hiện cuộc chiến ủy nhiệm" tại Ukraine.
Lầu Năm Góc từ chối trả lời câu hỏi liệu họ có cung cấp tọa độ cho các vụ tập kích bằng pháo HIMARS Ukraine hay không. "Ukraine chịu trách nhiệm tìm kiếm mục tiêu, đưa ra mức độ ưu tiên và quyết định vị trí tập kích. Mỹ không phê duyệt mục tiêu, không tham gia chọn lựa hoặc tập kích chúng", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho hay.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt đặt trên khung gầm bánh lốp, có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo. Mỹ đã chuyển giao khoảng 20 tổ hợp HIMARS cho Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định pháo HIMARS giúp Ukraine ngăn đà tiến và đẩy lùi lực lượng Nga trên chiến trường. Giới chức Ukraine cho biết Nga gần đây chuyển kho đạn ra khỏi tầm bắn của HIMARS. Điều này giảm tần suất pháo kích của Nga, song cũng khiến Ukraine khó tập kích kho đạn của đối phương hơn.
Mỹ ngày 3/2 thông báo cung cấp cho Ukraine Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB), loại đạn kết hợp giữa bom GBU-39 và rocket M26 có thể phóng từ HIMARS. Với tầm bắn 150 km, GLSDB có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea.