Điểm tin kinh doanh 11/2: Vàng thế giới lao dốc, trong nước tăng - giảm trái chiều

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 11/02/2023

Vàng thế giới lao dốc, trong nước tăng - giảm trái chiều; 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin 68.000 người bán hàng cho cơ quan thuế

- Giá vàng hôm 10/2: Vàng thế giới lao dốc, trong nước tăng - giảm trái chiều

Mở đầu phiên giao dịch sáng 10/2, giá vàng thế giới giảm mạnh trong khi đó, giá vàng trong nước tăng - giảm trái chiều giữa các thương hiệu.

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 66,50-67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 820.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 66,50-67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 800.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,50-67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.863,70 USD/ounce, giảm 9,8 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.360), tương đương 53,04 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 13,46 triệu đồng/lượng.

- Giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến

Giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 1/2023 giảm nhiều hơn dự kiến của các nhà kinh tế.

Giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 1/2023 giảm nhiều hơn dự kiến của các nhà kinh tế, cho thấy nhu cầu nội địa của nước này tăng vọt đã đẩy giá tiêu dùng lên cao sau khi chính sách "Zero COVID" kết thúc, song vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy các lĩnh vực khác.

Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1/2023 của Trung Quốc đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nối tiếp mức giảm tương ứng 0,7% của tháng trước đó và mạnh hơn mức giảm dự kiến 0,5% trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 1,8% được ghi nhận vào tháng 12/2022, nhưng thấp hơn mức tăng dự kiến 2,2% của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

- 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin 68.000 người bán hàng cho cơ quan thuế

Đã có 258 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử với thông tin chi tiết của trên 68.000 tổ chức, cá nhân đăng ký bán hàng.

Kể từ ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT).

Theo thống kê của cơ quan thuế, tính đến ngày 6/2/2023, đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.

- Xuất khẩu chanh leo, dừa, dứa đã qua chế biến mang về hàng trăm triệu USD

Năm 2022, dù xuất khẩu toàn ngành rau quả giảm gần 6% so với cùng kỳ, do chủ yếu giảm xuất khẩu trái cây tươi, nhưng xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến đạt hơn 1 tỷ USD

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2022 xuất khẩu toàn ngành rau quả dù chịu ảnh hưởng nặng từ chính sách Zero covid của Trung Quốc khiến xuất khẩu chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021, nhưng cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD.

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Với kim ngạch xuất khẩu 1,014 tỷ USD trong năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến đã vượt 1 tỷ USD…

Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá, ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Tiếp theo là chủng loại chế biến từ trái dừa, trái cây các loại, hạt dẻ cười, dứa…

- Nông lâm thủy sản Việt chiếm chưa tới 5% thị phần nhập khẩu của thị trường Trung Quốc

Trong tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của thị trường Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chiếm chưa tới 5%.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – cho hay, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu nông lâm thủy sản được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Đây là thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.

Các nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc gồm gỗ, sắn, rau quả, cao su. Trong đó, ngành quan trọng là cao su, chiếm đến 70% thị phần xuất đi thế giới, chủ yếu qua đường Vân Nam.

Việt Báo (Tổng hợp)