Nhiều cha mẹ cho con đi du học từ bậc… tiểu học, như vậy là lợi hay hại? - Vị giáo sư nổi tiếng phân tích thấu tình đạt lý
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:17, 09/02/2023
"Mình năm nay 16 tuổi, du học ở Chicago, Mỹ từ năm lớp 8 đến giờ. Mình may mắn có thể về mỗi năm 1 lần vào 3 tháng hè. Nhưng sau một khoảng thời gian dài, mình cảm thấy bản thân không hợp với cuộc sống nước ngoài. Mình cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, ngột ngạt, bị kiểm soát, và áp lực. Là người hướng ngoại, nhưng thật sự mình nghĩ tới việc kết thúc cuộc sống nhiều khi ở đây lắm. Mình không biết phải làm sao?" - Đó là tâm sự được người dùng đăng tải trên một nhóm mạng xã hội, nhận được nhiều sự chú ý và đồng cảm từ những du học sinh khác.
Không quá khó hiểu khi "cho con đi du học" trở thành giấc mơ của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Trẻ có thể hưởng thụ nền giáo dục phát triển, có môi trường trau dồi ngoại ngữ, mở mang tầm nhìn. Học sinh du học sớm còn được cho là sẽ có định hướng tốt và xây dựng được bộ hồ sơ nổi bật, giúp tăng cơ hội được nhận vào các trường đại học lớn. Nhiều phụ huynh vì thế không ngại khổ, chắt chiu nhiều năm dài để hiện thực hóa kỳ vọng "xuất ngoại" sớm của con.
Không ít cha mẹ khuyến khích con đi du học từ bậc trung học cơ sở. Thậm chí, theo hiệu trưởng một trường Cao đẳng, những năm gần đây ông chứng kiến nhiều gia đình cho con sang Úc du học ở bậc... tiểu học. Một chuyên viên kể, người này được phụ huynh nhờ tư vấn du học cho con 10 tuổi. Anh trả lời: "Tuổi đó chưa tự lập được nên rất khó, có thể đợi thêm vài năm" và nhận về thái độ cùng lời nói không hài lòng từ phụ huynh.
Đáng lo là, chính vì việc bị thúc cho "chín non" để sớm "xuất khẩu", không ít trường hợp học sinh stress và có những biểu hiện tâm lý bất thường vì áp lực học tập xa nhà từ nhỏ, như trường hợp em học sinh nói trên.
"Du học non" - không chỉ là "đường thẳng"
Ông Trương Nguyện Thành - người được nhiều người trìu mến gọi bằng cái tên "Giáo sư quần đùi" cũng cho rằng, hiện tượng "du học non", đặc biệt là ở Mỹ, đúng là ngày càng được ưa chuộng hiện nay.
"Theo báo cáo thường niên của Viện giáo dục quốc tế (IIE) của Mỹ thì năm học 2021-2022 Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada về số lượng du học sinh vào đại học Mỹ. Nếu đánh giá về dân số và thu nhập bình quân của người dân của các nước trong nhóm Top 5 này thì Việt Nam quả là một trường hợp khá ngạc nhiên và thú vị. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là cha mẹ Việt có điều kiện muốn cho con "du học non" khi tuổi dưới 18 ngày càng nhiều", ông nói.
Tuy nhiên, vị giáo sư này chỉ ra, mong muốn này có thể đưa đến nhiều hậu quả trong tương lai mà cha mẹ nếu chưa sống ở nước ngoài có thể không nhận ra.
Nói riêng ở Mỹ, theo Giáo sư, "du học non" giúp con có thể hội nhập văn hóa nước ngoài nhanh hơn nhưng đây là con dao hai lưỡi. Càng trẻ thì khả năng hội nhập về mặt ngôn ngữ và văn hóa càng nhanh. Điều này cũng dẫn đến khả năng "quên" ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ cũng nhanh. Trước 14 tuổi nếu không có nhiều cơ hội trau dồi tiếng mẹ đẻ thường xuyên thì sẽ dần chọn tiếng Anh để giao tiếp và quên tiếng mẹ đẻ sau vài năm.
Bên cạnh đó, điều mà nhiều cha mẹ Việt không để ý và không có nhiều kinh nghiệm đó là ở nhiều khía cạnh văn hóa Việt và Mỹ đối chọi nhau. Do đó nếu con em hội nhập văn hóa Mỹ thì có khả năng sẽ xung đột với cha mẹ ở nhiều nhận định trong cuộc sống và xã hội, chẳng hạn về vấn đề nuôi dạy con hay viện dưỡng lão...
Một điều cần lưu ý nữa chính là khi "du học non", trẻ không có người thân bên cạnh trong giai đoạn quan trọng của phát triển tâm sinh lý, nhất là vào lứa tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn quan trọng trong phát triển tâm lý của con em khi trưởng thành. Kể cả khi có gia đình bên cạnh đôi khi còn cảm thấy khó khăn, sẽ ra sao nếu môi trường sống chung quanh hoàn toàn xa lạ lại không có cha mẹ?
Ông Trương Nguyện Thành cho rằng, cha mẹ muốn cho con đi du học non, hãy đánh giá xem con mình có khả năng tự lập và đủ độ trưởng thành chưa.
Cần đánh giá Được và Mất, Cơ hội và Rủi ro
Ông Thành cho rằng: "Ở mỗi quyết định đều có cái được và mất, đều có cơ hội và rủi ro. Điều quan trọng là cần phải xác định rõ mục tiêu của việc con đi du học là gì. Đôi khi cũng có những mục tiêu không vì tương lai của con mà cha mẹ không nhận thức được hay không tiện nói ra kể cả với con.
Nhưng là gì đi nữa thì sự trưởng thành của con tốt hay xấu vẫn là đích đến không thể lẩn tránh được cho dù có ý thức được việc đó hay không. Sự trưởng thành này trong một môi trường sống hoàn toàn xa lạ lệ thuộc nhiều vào kỹ năng sống và độ trưởng thành về tâm sinh lý của con".
Câu hỏi nên cho con đi du học ở tuổi nào hợp lý vì thế cần phải đánh giá cái được và mất, đánh giá cơ hội và rủi ro trong quá trình vươn tới những mục tiêu ấy. Nếu muốn cho con đi "du học non", trước tiên cha mẹ hãy đánh giá xem con mình có khả năng tự lập và đủ độ trưởng thành chưa.
Thông thường, khi đứng trước một quyết định đầu tư cho tương lai với nhiều hy vọng, chúng ta thường đánh giá quá cao về cái được và cơ hội và đánh giá quá thấp về cái mất và rủi ro. Nhưng, giáo sư khuyến cáo: "Nếu đầu tư làm một sản phẩm bị hư thì ta có thể vứt bỏ nó và làm lại. Đầu tư du học cho con là đầu tư phát triển cá nhân. Nếu "sản phẩm hư" thì ảnh hưởng không chỉ quãng đời còn lại của con mà thậm chí, còn có khả năng ảnh hưởng đến cả đời cháu sau này".
Theo Phụ nữ Việt Nam