Áp lực thi cử, học sinh Thái Lan học thêm 7 môn từ sáng đến tối
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 10:30, 08/02/2023
Theo các chuyên gia, chính sách gần đây của Bộ Giáo dục Thái Lan nhằm giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp học đã gây thêm áp lực lên các gia đình có con học tiểu học muốn các con được vào trường tốt.
Mỗi cuối tuần thay vì dành thời gian cho các hoạt động giải trí, cô bé 12 tuổi Linlada Srithongkul và mẹ là Dutdao phải thức dậy lúc 6 giờ sáng để đi từ nhà ở tỉnh Samut Prakan đến một trường luyện thi nổi tiếng ở Siam Square, Bangkok.
Linlada phải học thêm từ sáng đến tối để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào cấp hai sắp tới. Trong khi Linlada học thêm thì mẹ cô bé dành cả ngày lang thang ở các trung tâm mua sắm gần đó để "giết thời gian" trong lúc chờ con học.
Linlada nói: "Tất cả bạn bè của em đã đăng ký những khóa học bổ sung tại các trường dạy thêm để tiếp tục học các môn học mà họ gặp khó khăn khi học trên lớp. Nếu em không làm như vậy, em sẽ bị bỏ lại phía sau".
Cô bé cho biết cha mẹ muốn cô theo học tại một trong những trường công lập danh tiếng của đất nước, nơi tỷ lệ tuyển sinh có tính cạnh tranh cao, vì vậy cô bé không còn lựa chọn nào khác ngoài việc học thêm với hy vọng có một suất vào ngôi trường đó.
Cô Dutdao cho biết vợ chồng cô đã chi gần 20.000 baht (15 triệu đồng) để giúp con gái chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Bà mẹ trẻ giải thích rằng chính sách gần đây của Bộ Giáo dục Thái Lan nhằm giảm số lượng học sinh tối đa trong mỗi lớp học từ 50 xuống 40 ở các trường trung học đã gây rất nhiều áp lực cho cả phụ huynh và trẻ em.
"Điều này có nghĩa là những phụ huynh như chúng tôi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Để có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào các trường nổi tiếng, việc cho con đi học thêm là cần thiết bởi nếu con tôi chỉ học trong trường học là không đủ để đạt điểm cao", cô Dutdao nói.
Somjet Bhakdipipat, cha của một cậu bé 11 tuổi, cho biết anh phải chi ít nhất 10.000 baht mỗi tháng cho con trai mình đi học thêm.
"Tôi muốn con có nền tảng vững chắc về tiếng Anh, toán và có thể cạnh tranh với các bạn khác nên sẵn sàng đóng tiền học thêm cho con. Là cha mẹ, tôi luôn muốn mang đến những điều tốt nhất cho con mình", anh Somjet chia sẻ.
Theo quan điểm của anh Somjet, các giáo viên ở trường công không dạy đúng phương pháp còn các trung tâm dạy thêm hướng dẫn cho học sinh những cách hiệu quả để đạt điểm cao.
"Phụ huynh nào cũng muốn con học ở trường có tiếng vì ở đó đảm bảo môi trường và chất lượng giáo dục tốt hơn. Trong quan điểm của tôi, con được học ở trường danh tiếng là con đường vào đại học tốt dẫn tới công việc tốt và nhiều lựa chọn trong cuộc sống hơn", anh Somjet nói.
Khi Văn phòng ủy ban giáo dục cơ bản của Thái Lan ra quyết định sẽ giới hạn số lượng học sinh tối đa trong mỗi lớp học trên toàn quốc là 40, tổng thư ký Obec Boonrak Yotpetch cho biết, văn phòng tin rằng, khi có ít học sinh, giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho từng học sinh.
"Các lớp học chật cứng, đặc biệt là ở các trường hàng đầu. Chúng tôi muốn giới hạn sĩ số lớp học để cải thiện chất lượng giáo dục", ông nói.
Ông Boonrak thừa nhận rằng chính sách này có thể khiến số học sinh không giành được suất vào các trường hàng đầu tăng lên.
"Chính sách này có thể gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh nhưng tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề ngắn hạn vì tỷ lệ sinh của Thái Lan đang giảm và mức độ cạnh tranh cuối cùng sẽ giảm", ông nói.
Ông Boonrak cho biết Văn phòng ủy ban giáo dục cơ bản đã yêu cầu các trường nổi tiếng thiết lập mạng lưới với các trường lân cận, để họ có thể gửi những học sinh không thể theo học tại trường của họ sang học tại các trường đó.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia giáo dục Sompong Jitradub cho thấy các gia đình có thu nhập cao hoặc trung bình ở Thái Lan chi khoảng 22.600 baht một năm cho tiền học thêm của con cái. Học sinh dành trung bình gần 3 giờ mỗi ngày tại các trung tâm gia sư, học thêm tới bảy môn học.
Ông Sompong nói: "Hầu hết các bậc cha mẹ coi học thêm như một biện pháp cần thiết và an toàn bởi nhiều bậc phụ huynh khác cũng đang làm điều đó".
Theo ông Sompong, nhiều phụ huynh và học sinh không tin tưởng vào phương pháp giáo dục tại trường học nên mới tìm đến các trung tâm dạy thêm. Vì thế, việc đổi mới, sáng tạo, đầu tư trong cách dạy và học ở mỗi trường học là điều cần thiết.
Ông Sompong cho biết quy trình tuyển sinh của trường cần phải được xem xét lại vì nó đã tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục và tập trung quá nhiều vào điểm thi.
"Xã hội Thái Lan quá coi trọng điểm thi. Học sinh và phụ huynh không mấy tin tưởng vào hệ thống trường công nên họ chọn trung tâm gia sư để giúp con mình đạt điểm cao hơn. Tuy nhiên để thực sự cải thiện thành tích của học sinh, toàn xã hội phải đầu tư và phát triển việc dạy và học từ trường lớp", ông Sompong nói.