Điểm tin công nghệ 8/2: Apple ngừng sản xuất iPhone 14 Plus?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 08/02/2023
- Apple ngừng sản xuất iPhone 14 Plus?
Apple đã cắt giảm các đơn hàng linh kiện iPhone 14 Plus xuống mức cực thấp trong số các lô hàng iPhone, do nhu cầu thị trường thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
iPhone 14 Plus ra mắt để thay thế dòng iPhone 13 Mini do nhu cầu người dùng với iPhone màn hình nhỏ thấp. Tuy nhiên, có vẻ như kích thước màn hình không phải yếu tố giúp 14 Plus được ưa chuộng, vì mẫu iPhone mới này cũng không có được doanh số tốt.
Theo Ross Young, nhà phân tích chuỗi cung ứng màn hình, đơn hàng màn hình cho iPhone 14 Plus đã giảm gần bằng 0, thời điểm Apple điều chỉnh các đơn đặt hàng sản xuất để phù hợp với nhu cầu người dùng.
Một biểu đồ được tiết lộ cho thấy, các đơn hàng của Apple từ tháng 11/2022 với việc Phone 14 Plus giảm đáng kể và sau đó biến mất khỏi biểu đồ vào tháng 1/2023. Một số lô hàng nhỏ iPhone 14 Plus trở lại vào tháng 2 để bổ sung cho kho hàng của Apple. Trong khi các mẫu iPhone 14, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max đều có nhu cầu cao trong suốt quý I/2023.
- Đây là 3 mẫu iPhone nhiều khả năng sẽ không được cập nhật lên iOS 17
Theo như thông lệ hàng năm, Apple sẽ phát hành phiên bản iOS mới vào tháng 6 tại WWDC (Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple). Tại đây, công ty sẽ chính thức công bố và giới thiệu những tính năng mới của iOS 17, đồng thời cũng sẽ phát hành phiên bản Beta dành cho một vài dòng iPhone nằm trong danh sách hỗ trợ.
Dù cho nhà Táo có truyền thống là sẽ hỗ trợ cập nhật iOS lâu dài dành cho các dòng sản phẩm của mình, thế nhưng nếu sản phẩm nào đã quá cũ và cấu hình phần cứng không còn phù hợp, họ sẽ loại bỏ chúng ra khỏi danh sách hỗ trợ. Đối với iOS 17 sắp tới cũng vậy, và các dòng iPhone dự kiến sẽ không nhận được bản cập nhật iOS mới nhất này sẽ bao gồm: iPhone 8, iPhone 8 Plus, iPhone X.
- Doanh nghiệp tại Đông Nam Á tin tưởng Nhà cung cấp dịch vụ bảo mật được quản lý
Báo cáo Kinh tế Bảo mật CNTT Kaspersky mới nhất hé lộ nhu cầu ngày càng tăng của các tập đoàn tại Đông Nam Á về việc thuê ngoài chức năng an ninh mạng cụ thể và quan trọng để tăng cường bảo mật CNTT.
Báo cáo cho thấy các công ty trong khu vực phụ thuộc các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật được quản lý (Managed security service provider – MSSP) với mục đích giáo dục, đánh giá, bảo vệ khỏi những lượng lớn cuộc tấn công số và những mối đe dọa hiện nay cũng như trong việc phát hiện và giải quyết nguy cơ cấp cao. Dữ liệu được thu thập từ 3.230 phỏng vấn tại 26 nước trải dài trong thị trường B2B trọng yếu của Kaspersky trên toàn thế giới, bao gồm cả những quốc gia Đông Nam Á.
Khoảng 48,3% các công ty trong khu vực đang lựa chọn giao phó cho MSSP các chức năng đào tạo, giáo dục bảo mật và nhận thức an ninh mạng cho tổ chức của họ. Là một mắt xích yếu nhất trong hệ sinh thái CNTT, yếu tố con người luôn là nguyên nhân nổi bật trong hầu hết những vi phạm bảo mật nên giáo dục an ninh mạng vẫn còn quan trọng đối với các tập đoàn phải đối mặt với những nguy cơ liên tục biến hóa.
Những chức năng khác đang được các công ty ủy quyền cho MSSP bao gồm đánh giá an ninh mạng (58,8%) cũng như bảo vệ chống lại tấn công từ chối dịch vụ hay còn gọi là DdoS (44%), nguy cơ thường trực nâng cao hay còn gọi là APT (39,7%) và phát hiện và phản hồi điểm cuối hay còn gọi là EDR (42,5%).
- Mỹ cân nhắc cắt đứt Huawei khỏi chuỗi cung ứng chip
Giao dịch giữa các công ty Mỹ và Huawei đã bị hạn chế trong bốn năm qua, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump thêm công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này vào danh sách đen thương mại.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét cắt đứt Huawei ra khỏi tất cả nhà cung cấp Mỹ, bao gồm cả Intel lẫn Qualcomm.
Việc bán hàng từ các công ty Mỹ cho Huawei đã bị hạn chế trong bốn năm, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump thêm công ty có trụ sở tại Thâm Quyến vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là Danh sách Thực thể (Entity List) vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Kể từ đó, các nhà cung cấp Mỹ đã phải xin chính phủ cấp phép bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Giờ đây, một số quan chức trong chính quyền ông Biden đang ủng hộ việc cấm tất cả hoạt động bán hàng cho Huawei, chủ yếu do nghi ngờ tập đoàn này có quan hệ với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
- Hội đồng châu Âu họp bàn 'đối phó' với ChatGPT
Chuyên trang Gizchina cho hay Hội đồng châu Âu đang họp tại Brussels - Bỉ để xem xét các khả năng hạn chế với ChatGPT.
Ủy viên thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) Breton Thierry nói rằng khối cần phải đưa ra các quy tắc mới cho công nghệ AI trước sự nổi lên nhanh chóng của các công cụ hỗ trợ thông minh như ChatGPT.
"Bên cạnh những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo của ChatGPT mang lại, nó cũng đã gây ra một số lo ngại vì nó có thể dễ dàng được sử dụng để lừa đảo, lạm dụng giáo dục" - ông lưu ý. Do đó, ông Breton cho rằng cần nhanh chóng có quy định và các tiêu chuẩn toàn cầu cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.
"Các cơ quan liên quan đang làm việc với Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu để làm rõ hơn các quy định trong Luật AI. Mọi người sẽ cần được thông báo rằng họ đang làm việc với một chatbot chứ không phải con người. Tính minh bạch cũng rất quan trọng đối với nguy cơ sai lệch và thông tin sai lệch" - ông Breton nhấn mạnh.