Dựng cần gạt mưa khi đỗ xe có tăng tuổi thọ cho lưỡi cao su?
Xa lộ - Ngày đăng : 14:41, 07/02/2023
Vào những ngày nắng nóng gay gắt, tại những bãi trông xe, chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những chiếc cần gạt mưa trên xe ô tô được dựng lên khi đỗ xe ở vị trí không có bóng mát. Bạn có từng đặt câu hỏi tại sao họ lại làm vậy hay không?
Cần gạt nước mưa trên ô tô thường có cấu tạo gồm phần khung tay gạt làm bằng kim loại và phần lưỡi gạt làm bằng cao su mềm, áp vào kính lái. Cần gạt mưa được dựng lên là cách để người dùng xe có thể dễ dàng bảo dưỡng và thay thế lưỡi gạt khi cần gạt mưa không còn làm việc hiệu quả.
Nhiều người tư vấn rằng cách làm này cũng sẽ góp phần bảo vệ và gia tăng tuổi thọ của lưỡi gạt mưa khỏi khô cứng, cong vênh khi tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ cao và nhiều tia cực tím (UV) như kính chắn gió.
Về lý thuyết, điều này có vẻ ổn, nhưng thực tế cho dù cần gạt mưa có dựng lên hay không, lưỡi gạt mưa vẫn tiếp xúc với nhiệt và tia UV có hại cho dù vị trí của của nó đặt nằm hay dựng lên.
Nếu thường xuyên dựng gạt mưa, sẽ càng trở nên bất tiện khi bạn đang vội chạy vào trong xe giữa thời tiết mưa gió. Thời gian hạ gạt mưa xuống có thể khiến người bạn ướt sũng trước khi ngồi vào ghế lái.
Trên thực tế, việc dựng cần gạt mưa lên sẽ thiết thực hơn trong những điều kiện thời tiết lạnh có tuyết hoặc những vùng núi cao có băng giá. Điều này giữ cho các lưỡi gạt cao su không dính vào kính do bị đóng băng. Nếu dựng các cần gạt mưa lên, việc cạo băng tích tụ trên kính chắn gió sẽ dễ dàng hơn.
Chính vì vậy, cho dù bạn có chọn nâng cần gạt mưa lên hay không khi đỗ xe, cách tốt nhất để bảo quản chúng là thường xuyên lau chùi cả cần gạt và kính chắn gió để tránh tích tụ bụi bẩn, tránh làm xước kính khi cần gạt hoạt động mà không có nước rửa kính do vô tình đụng phải công tắc cần gạt mưa trong xe.
Quan trọng hơn, hãy cố gắng giảm thiểu việc đỗ xe ô tô tại nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách tìm những chỗ đậu xe có mái che hoặc càng nhiều bóng cây càng tốt nếu có cơ hội.
Ngô Minh