Bộ Công Thương nói gì về bình ổn giá xăng dầu?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 20:35, 06/02/2023

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức từ 33-1.500 đồng/lít tùy loại, để bình ổn giá trong nước, giúp mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, về giải pháp về bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NÐCP và Nghị định 95/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt.

Bộ Công Thương đã kiến nghị rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Ảnh: Thanh Tùng)

Cụ thể, trong công tác điều hành giá xăng dầu trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi sử dụng từ 33-1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Công Thương cho rằng điều này nhằm giúp hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần (trong năm 2022), thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Premium, chi phí vận chuyển xăng dầu... ) cho phù hợp với thực tế, đảo bảo tính đúng, tính đủ.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương khẳng định luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Ðến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ.