Hạnh phúc bất ngờ của cặp vợ chồng khuyết tật, người chồng liệt cả 2 chân
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:50, 06/02/2023
Hạnh phúc trong mơ hóa thành sự thật
Anh Đỗ Văn Hóa (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị liệt cả hai chân sau một tai nạn từ năm học lớp 8, mọi sinh hoạt cá nhân gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Còn vợ là chị Nguyễn Thị Tuyết ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bị khuyết tật ở tay trái sau một lần bị sốt cao, co giật.
Bố chị Tuyết mất sớm, mẹ đi bước nữa. Hai người lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, ở hai địa phương cách xa nhau hàng chục cây số, và số phận đã đưa họ đến với nhau trong một lần chị Tuyết tự lái xe ba bánh đến dự một buổi họp mặt của câu lạc bộ người khuyết tật tại huyện Hậu Lộc.
Thế rồi, hai người dần cảm mến nhau. Họ nói chuyện, chia sẻ những khó khăn, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với nhau thông qua mạng xã hội. Sau hơn 4 năm tìm hiểu, tháng 12.2020, hai bên gia đình vui mừng tổ chức lễ cưới cho anh Hóa và chị Tuyết.
Lấy nhau rồi, vợ chồng Hóa - Tuyết ao ước có một mụn con làm "của để dành". Thế nhưng, anh Hóa bị liệt cả 2 chân, để có con được là chuyện anh chưa bao giờ nghĩ tới. Chính tình yêu đã thôi thúc họ, cho họ động lực biến giấc mơ thành hiện thực. Động lực càng nhân đôi khi ở gần nhà anh Hóa có vợ chồng khuyết tật đã sinh thành công cặp song sinh.
Ths.BS Hà Ngọc Mạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ - người trực tiếp tư vấn, thăm khám và thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản cho cặp vợ chồng khuyết tật - chia sẻ: “Chúng tôi đã làm thủ thuật lấy tinh trùng từ ống dẫn tinh, dùng dụng cụ chỉ nhỏ bằng sợi tóc luồn vào ống dẫn tinh lấy tinh trùng ra. Đây là một biện pháp xâm lấn, chúng tôi đã làm thành công mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của anh Hóa. Đây là một kỹ thuật rất đặc biệt mà bệnh viện đã thực hiện thành công”.
"Tôi từng nghĩ con mình tàn phế thì làm sao có tương lai?"
Ngày 2.2 vừa qua, gia đình anh Hóa đã chính thức đón thành viên mới.
Hạnh phúc bế trên tay đứa cháu nội mà bản thân và cả gia đình chờ đợi bấy lâu nay, bà Lê Thị Lộc (71 tuổi) - mẹ anh Đỗ Văn Hóa - vô cùng xúc động.
“Chẳng bao giờ dám nghĩ, dám mơ sẽ có cháu nội là con của Hóa. Lúc đầu, tôi nghĩ Hóa sẽ không có con, nghĩ rằng con mình tàn phế thì làm sao mà có tương lai? Nhưng nhờ trình độ, chuyên môn bác sĩ, nhờ kỹ thuật y học hiện đại mà giấc mơ của gia đình chúng tôi đã thành hiện thực” - bà Lộc rơi nước mắt.
Ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh giường vợ vừa sinh nở, anh Hóa chăm chú nhìn vợ, nhìn con, nước mắt rưng rưng. "Chưa bao giờ tôi nghĩ hạnh phúc lại đến với mình một lần nữa. Tôi tàn tật, liệt cả 2 chân mà vẫn cưới được vợ, vẫn có con. Thực sự đây là niềm hạnh phúc quá lớn. Tôi rất biết ơn các bác sĩ và bệnh viện"- anh Hóa xúc động nói.
BS Luyện Thị Ngọc Dung (Khoa Sản phụ Hiếm muộn, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ) - người trực tiếp chăm sóc cho chị Tuyết trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm - chia sẻ: “Khi hai vợ chồng Hóa - Tuyết đến, chúng tôi cũng đắn đo suy nghĩ rất nhiều vì đây là một ca khó. Thế nhưng anh chị được gia đình động viên và họ cũng rất nỗ lực, rất mong muốn nên chúng tôi cũng quyết tâm giúp họ thực hiện giấc mơ.
Cả hai vợ chồng là người khuyết tật, việc đi lại rất khó khăn, nên chúng tôi phải bố trí sao cho hạn chế đi lại. Tôi đã sắp xếp chị ấy ở gần nhà để tiện chăm sóc, cũng may kết quả thành công ngay từ lần đầu thực hiện”.