Kỹ năng học sinh bắt buộc phải thuần thục khi đi xe máy, xe điện đến trường

Xa lộ - Ngày đăng : 16:46, 06/02/2023

Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, không vít hết ga với vận tốc tối đa, tập trung quan sát tình huống…là những điều bố mẹ nên hướng dẫn con khi đi xe máy, xe đạp điện.

Vụ tai nạn đau lòng mới xảy ra hôm 3/2 tại hầm chui Thanh Xuân (hướng Thanh Xuân-Hà Đông, TP Hà Nội) khiến một nam sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên tử vong tại chỗ khiến dư luận bàng hoàng.

Nhiều bậc phụ huynh giật mình khi nghĩ lại con mình cũng đang sử dụng xe máy để đi học hàng ngày.

Hiện trường vụ tai nạn khiến nam sinh trường chuyên ở Hà Nội tử vong tại chỗ (Ảnh: Đình Hiếu)

Đây không phải trường hợp đầu tiên học sinh bị tai nạn khi đi xe máy, xe đạp trong thời gian đến trường. Trước đó, vào tháng 5/2022, hai nữ sinh lớp 9 chở nhau trên xe đạp điện lưu thông trong Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, Bình Dương) thì va chạm với xe tải, ngã ra đường và bị xe tải cuốn vào gầm. Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ và một bị thương.

Sau những cái chết thương tâm, nhiều ý kiến cho rằng trường học cần cấm học sinh sử dụng xe điện và xe máy 50cc, thay vào đó khuyến khích học sinh đi xe đạp và các phương tiện xe công cộng (xe bus, xe trường đưa đón).

Theo anh Ngô Hải Long (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), dường như phụ huynh bây giờ “dễ” hơn, giao xe tay ga, xe điện đắt tiền cho con đi mà không dạy con cách tham gia giao thông an toàn, đi như thế nào cho đúng luật.

“Nhà tôi gần trường THPT trên tại quận Ba Đình. Cứ đứng ở cổng các trường học quan sát sẽ thấy hầu như các cháu không tuân thủ các quy định an toàn giao thông. Thường không mấy cháu đội mũ bảo hiểm. Mà mũ bảo hiểm nếu có thì hầu như là loại mũ thời trang, không đảm bảo an toàn”, anh Long cho hay.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, giảng viên chuyên ngành ô tô, xe máy Nguyễn Trung Kiên, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, cảnh báo tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện hiện rất nhiều nhưng không đảm bảo an toàn giao thông.

Thầy Kiên cho rằng, dung tích động cơ xe dù có khống chế nhưng cuối cùng vấn đề là ý thức của người điều khiển phương tiện.

“Đường phố chỉ cho phép đi tốc độ 40- 60km/h mà học sinh cứ vít hết ga thì không thể kiểm soát, đối diện với nguy cơ bị hoặc gây ra tai nạn giao thông rất lớn”, thầy Trung Kiên cảnh báo.

Hơn thế nữa việc không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn cũng không có tác dụng bảo vệ vùng đầu cổ nếu xảy ra tai nạn. Nếu đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn an toàn thì khi có tai nạn sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro.

Trước ý kiến nhiều phụ huynh cho rằng nên cấm học sinh đi xe đạp điện, xe máy thay vào đó khuyến khích các em đi xe đạp xe bus hoặc xe đưa đón của nhà trường, tuy nhiên thầy Kiên cho rằng kiến nghị này không khả thi.

Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên tự cấm (nếu cảm thấy nguy hiểm) hoặc hướng dẫn con tham gia giao thông an toàn chứ “đừng yêu cầu pháp luật cấm”.

Trên thực tế, xe máy 50cc, xe điện (xe máy điện, xe đạp điện) hiện nay đang là phương tiện tham gia giao thông được nhiều học sinh sử dụng. Để tham gia an toàn khi tham gia giao thông, các chuyên gia lưu ý những kỹ năng cần thiết sau:

- Luôn đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông và cài quai đúng cách để tăng thêm tính an toàn.

- Đi xe đúng tốc độ quy định. Hiện nay hầu hết các dòng xe đạp điện và xe máy điện đều được thiết kế với vận tốc di chuyển nhanh, xe đạp điện 45km/h và xe máy điện 60km/h. Nhiều bạn thường di chuyển với vận tốc tối đa gây nguy hiểm cho bản thân và cả những người tham gia giao thông khác. Do vậy để đảm bảo an toàn thì người điểu khiển xe đạp điện và xe máy điện chỉ nên đi với vận tốc tối đa 25km/h đối với xe đạp điện, xe máy điện sẽ không quá 40km/h.

- Khi điều khiển phương tiện, các em phải tập trung quan sát và bao quát tình huống, tuyệt đối không dùng điện thoại.