Mẫu tên lửa F-22 Mỹ dùng để bắn hạ khí cầu Trung Quốc
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:15, 06/02/2023
Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia hôm 4/2 để bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi Myrtle Beach, Nam Carolina, bằng tên lửa Sidewinder.
"Khí cầu do Trung Quốc sử dụng nhằm do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ đã bị bắn hạ trên lãnh hải Mỹ", Lầu Năm Góc xác nhận.
Hai tiêm kích F-22 Mỹ được triển khai thực hiện nhiệm vụ bắn hạ khí cầu Trung Quốc mang hô hiệu "'FRANK01" và "'FRANK02". Đây là loại chiến đấu cơ tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 2.400 km/h và trần bay gần 20 km.
Chiếc F-22 bắn hạ khí cầu Trung Quốc bằng tên lửa AIM-9X Sidewinder, loại vũ khí công nghệ cao có thể khóa mục tiêu chỉ bằng cách lần theo hướng mắt nhìn của phi công.
Tên lửa Sidewinder có thể đạt vận tối đa hơn 3.000 km/h, mỗi quả có giá khoảng 380.000 USD.
Là một trong những dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hiện đại nhất thế giới, F-22 rất kén chọn các loại vũ khí mới, bởi hệ thống điều khiển và kiểm soát của nó được phát triển cách đây hàng chục năm, không phải là hệ thống mở và rất khó tích hợp các loại tên lửa mới.
F-22 thường được trang bị vũ khí không đối không, trước đây chủ yếu là tên lửa AIM-120 AMRAAM.
Phi đội tiêm kích số 90 và phi đội tiêm kích số 525 thuộc không đoàn số ba là những đơn vị F-22 đầu tiên được trang bị tên lửa AIM-9X Sidewinder năm 2016, dù tên lửa này đã được sử dụng trên tiêm kích F-15, F-16 và F/A-18 Hornet của Mỹ nhiều năm trước đó.
AIM-9X Sidewinder là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới. Đây là loại tên lửa tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại, có thể tự hiệu chỉnh trong lúc bay nhờ dữ liệu cung cấp từ máy bay, giúp tăng đáng kể độ chính xác trong tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa này có tầm bắn 1-35,4 km, được sử dụng trong không quân 40 nước, chủ yếu là các thành viên của NATO.
Khi trang bị Sidewinder, sức mạnh của chiến đấu cơ F-22 được tăng cường đáng kể, giúp chúng có thể sử dụng tên lửa này trong nhiều kịch bản tác chiến ở tầm xa hơn và bao quát được hoạt động trong phạm vi tác chiến.
Tên lửa Sidewinder được phóng ra đã cắt đứt phần trên của khí cầu Trung Quốc với cụm thiết bị dưới, bao gồm camera, thiết bị cảm biến cùng radar vận hành bằng năng lượng mặt trời. Các quan chức quốc phòng Mỹ ước tính khí cầu này lớn bằng ba chiếc xe buýt gộp lại, cao khoảng 36,5 m.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ động thái Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khí cầu của nước này. Bắc Kinh cho biết đã yêu cầu Mỹ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Mỹ "phản ứng thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế".
Theo VNEXPRESS