Buôn bán tem đăng kiểm giả có thể đối diện 7 năm tù

Pháp luật - Ngày đăng : 09:15, 06/02/2023

Trên các "chợ mạng", xuất hiện nhiều lời chào bán trọn bộ tem kiểm định, tem đường bộ và giấy chứng nhận đăng kiểm giả với chi phí từ 3,5-5 triệu đồng. Tuy nhiên, giao dịch này gần đây trở nên "kín đáo" hơn.

Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không. Mỗi tỉnh, thành phố đều có 1 hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Công việc này bao gồm kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn hoặc cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác.

Trên thực tế, có rất nhiều lý do khiến chủ xe tìm đến với dịch vụ làm giả đăng kiểm xe, như xe đã độ, xe quá hạn đăng kiểm, xe mất giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng kiểm bị hư hỏng... Kéo theo đó là sự xuất hiện của một nhóm cá nhân, cơ sở bất chấp pháp luật cung cấp dịch vụ làm tem đăng kiểm giả.

Trong thời gian ngắn gần đây, công an liên tiếp phát hiện xe khách nghi sử dụng tem đăng kiểm giả.

Ảnh chụp màn hình một tài khoản chào mời nhận làm giấy tờ đăng kiểm giả

Chỉ cần một thao tác tìm kiếm vô cùng đơn giản, người có nhu cầu có thể tìm được rất nhiều địa chỉ cung cấp dịch vụ làm giả giấy tờ tem đăng kiểm với những lời chào mời như uy tín, nhanh chóng, không cọc, vô cùng bảo mật...

“Anh em chạy ô tô bỏ khám lâu ngày hoặc không còn đi đăng kiểm được, liên hệ theo số 036216 2xxx hoặc gọi zalo”, một tài khoản rao công khai.

Hay một tài khoản khác cũng thông báo: “Làm giấy tờ ship toàn quốc gồm: Cavet xe 2 bánh, ô tô; đăng kiểm+ tem ô tô; bằng lái A B C D E FC...”. Đáng lưu ý, tài khoản này còn cam kết “ tem xịn, phôi xịn. Hàng chuẩn đẹp. Bảo mật thông tin khách hàng”.

Anh Dũng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dạy lái xe, chạy xe dịch vụ hơn 10 năm cho biết, không khó để mua được một tem đăng kiểm giả ở trên mạng. Với mức giá trung bình từ 2- 3 triệu đồng sau 3 ngày có thể nhận được đủ bộ hồ sơ (giấy đăng kiểm, tem...). Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi các trung tâm đăng kiểm bị “sờ gáy”, dịch vụ này trở nên “kín đáo” hơn.

“Mọi giao dịch không dễ như cách đây mấy tháng. Các đối tượng bán tem giả cảnh giác hơn, những số điện thoại dùng để liên hệ thường là SIM rác. Thậm chí chỉ mối quen giới thiệu mới có thể tiếp cận được.

Đa phần các đối tượng sẽ hạn chế giao dịch trực tiếp, chỉ thông qua mua bán trên các nền tảng mạng xã hội. Giấy đăng kiểm sau khi hoàn thành sẽ được giao tới khách hàng thông qua hình thức chuyển phát nhanh”, anh Dũng cho biết.

Với tình trạng đăng kiểm khó khăn như hiện nay, anh Dũng dự báo tình trạng sử dụng tem giả sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí có thể còn tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tài xế này cho rằng tem giả người bình thường nhìn không phát hiện ra nhưng rất khó “qua mặt” người trong ngành trong đó có lực lượng cảnh sát.

Trường hợp của anh Đặng Văn N. (SN 1982, Nghĩa Hưng, Nam Định) là ví dụ điển hình. Tháng 6/2022, người đàn ông đang điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 18A-083.XX lưu thông trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì bị lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng xe.

Sau khi dừng xe kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe này đã hết hạn kiểm định và tem kiểm định đang dán trên xe không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Anh N. cho biết, xe anh được mua trả góp nhưng do không có tiền trả hàng tháng nên ngân hàng không cấp đăng ký tạm thời để lưu hành. Vì thế anh đã đặt mua "tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" trên mạng với giá 200.000 đồng dán vào xe nhằm qua mắt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.

Mặc dù xin “rút kinh nghiệm sâu sắc” nhưng N.  vẫn chịu mức phạt lên tới hơn 10 triệu đồng với các lỗi: Điều khiển xe có giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn từ 1 tháng trở lên; sử dụng tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài mức phạt tiền trên, người đàn ông này còn bị tước giấy phép lái xe 3 tháng và tạm giữ xe 7 ngày theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Quốc Hưng, Công ty Luật HTC Việt Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh, không riêng chủ phương tiện bị xử phạt hành chính khi sử dụng tem kiểm định giả mà người có hành vi sản xuất, buôn bán tem kiểm định giả sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi này được quy định tại Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, tùy theo mức độ hành vi mà người làm giả, sản xuất tem kiểm định giả sẽ bị xử lý với mức phạt tiền có thể lên đến 500 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm, buôn bán tem vé giả. 
Cụ thể: 
Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp:
Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;
Tem giả, vé giả mệnh giá có tổng trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…
Thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp: 
Có tổ chức;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200 triệu đồng trở lên;
Thu lợi bất chính 100 triệu đồng đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm…
Thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.