Qua 5 vòng an ninh, người dân xin ấn đền Trần nhanh chóng
Du lịch online - Ngày đăng : 19:51, 05/02/2023
Nhiều người sợ đông như những năm trước nên đến từ rất sớm, ngủ tại chỗ để chờ xin ấn.
Đêm 4/2 (14 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đã diễn ra Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023..
Sau ba năm không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt và lên kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh. Trong ngày diễn ra lễ Khai ấn đền Trần, công tác đảm bảo an ninh được chú trọng với 5 vòng an ninh, 30 chốt bảo đảm trật tự.
Những người không ngủ thì tranh thủ xem điện thoại trong khi chờ đợi.
Lễ Khai ấn là nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần truyền thống, gồm các hoạt động: lễ dâng hương (từ 22h15 đến 22h40); lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường (từ 22h40 đến 23h10); nghi lễ Khai ấn, dâng chúc văn (23h15 - giờ Tý).
Tại lễ Khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, mọi người đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Đến giờ phát ấn, dù rất lạnh, mọi người vẫn xếp hàng theo thứ tự để chờ đến lượt mình.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 tổ chức từ ngày 1 đến 6/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), từ 2h thực hiện lễ hồi kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: nhà Giải vũ, nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.
Năm nay, trời mưa phùn, lạnh nên dòng người xếp hàng xin ấn đền Trần không đông như những năm trước. Hầu hết mọi người tới đây lễ từ đêm rồi về, không đợi xin ấn. Đúng 5h sáng 5/2, ban tổ chức phát ấn cho người dân. Sau hơn 30 phút, các bốn điểm phát ấn chỉ còn lác đác người dân tới xin ấn.
Mọi người đều được phát ấn để mang về nhà, mong được cả năm may mắn, thuận lợi.
Hầu hết mọi người đã xin được cho mình và người thân một vài lá ấn. Vì số người đến xin ấn ít hơn hẳn mọi năm, nên việc phát ấn bình lặng, không còn cảnh tranh giành, chen lấn, xô đẩy. Những người đến xin ấn ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng chủ yếu là người ở tuổi trung niên trở lên, người trẻ cũng có nhưng không nhiều.
Nhiều năm trước, những hình ảnh phản cảm diễn ra tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần như: Chen lấn, xô đẩy, ném tiền lên kiệu ấn, “cướp lộc” ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch văn hóa tâm linh của Nam Định. Trong vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc phối hợp tổ chức, Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản; đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội.
Việc phát ấn được ngăn cách bởi một lớp cửa sắt.
Khác với những năm trước, không gian Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc giai đoạn I của Dự án “Đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định” đã hoàn thành.
Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần cũng diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ bỏi, đấu vật, võ thuật…
Ấn được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo và đầy đủ, đảm bảo mọi người đều có nên không có cảnh chen lấn