Bệnh nhân tâm thần liên tiếp gây án mạng ở Điện Biên: Việc quản lý là rất khó!

Pháp luật - Ngày đăng : 16:17, 05/02/2023

Điện Biên – Chỉ trong vòng 2 tháng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra 3 vụ án mạng kinh hoàng do bệnh nhân tâm thần gây ra.
Bệnh nhân tâm thần liên tiếp gây án mạng ở Điện Biên: Việc quản lý là rất khó!
Điện Biên liên tiếp xảy ra 3 vụ án mạng kinh hoàng do bệnh nhân tâm thần gây ra. Ảnh: PV

Liên tiếp xảy ra các vụ án nghiêm trọng

Ngày 2.12.2022, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Một người phụ nữ đã dùng dao đâm chém nhiều nhát kinh hoàng khiến cha đẻ của mình tử vong tại chỗ.

Nghi phạm sau đó được xác định là Đặng Thị Thanh Tâm, SN 1991. Trước khi xảy ra án mạng, giữa 2 bố con có xảy ra tranh cãi, sau đó nghi phạm đã sử dụng hung khí gây ra vụ án.

Đại diện chính quyền địa phương cho biết, Đặng Thị Thanh Tâm bị bệnh tâm thần đang điều trị và thường xuyên đi lang thang ngoài đường.

Sau đó chưa đầy 1 tháng, khi dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ con gái giết cha một cách dã man thì đêm 27.12.2022, tại bản Kéo, tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông lại tiếp tục xảy ra 1 vụ án mạng nghiêm trọng.

Một người cha bị bệnh tâm thần đã ra tay sát hại 2 con nhỏ trước sự bất lực của những người xung quanh.

Khi sự việc xảy ra, có gia đình, họ hàng và rất nhiều người dân biết nhưng không ai dám vào can ngăn vì đối tượng cầm dao nhọn và rất hung hãn.

Đối tượng gây án được xác định là Lường Văn Châu (SN 1995) đã dùng dao nhọn đâm vào bụng 2 con nhỏ của mình là cháu L.T.H (SN 2019) và L.T.H (SN 2021). Do vết thương quá nặng, 2 cháu nhỏ tử vong tại chỗ.

Lường Văn Châu bị bắt sau khi gây án.
Lường Văn Châu bị bắt sau khi gây án.

Mới đây nhất, vào đêm 3.2.2023, đối tượng tâm thần Vì Văn Tinh (SN 1979) đã tự đốt nhà. Khi lực lượng địa phương đến chữa cháy thì đối tượng dùng dao phóng lợn đâm liên tiếp vào ông Quàng Văn Dương (SN 1983) - Trưởng bản Pa Kín, xã Na Tông, huyện Điện Biên khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Tính còn đâm thôn đội trưởng bị thương.

Chính quyền địa phương cho biết, Vì Văn Tinh là người có tiền sử bệnh tâm thần. Trước đó vài ngày, do mâu thuẫn gia đình nên vợ con Vì Văn Tinh đã đi khỏi nhà nên may mắn thoát chết.

"Việc quản lý bệnh nhân tâm thần là rất khó"

Như vậy, chỉ trong khoảng 2 tháng đã xảy liên tiếp 3 vụ án mạng nghiêm trọng, các đối tượng gây án đều có tiền sử bệnh thần kinh khiến dư luận vô cùng lo lắng.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh Điện Biên có 975 bệnh nhận tâm thần phân liệt đang được quản lý ngoài cộng đồng. Trong đó, chỉ có khoảng 30-40 bệnh nhân đang trực tiếp điều trị tại bệnh viện.

Khi phát bệnh nặng, mất kiểm soát
Khi phát bệnh nặng, mất kiểm soát, bệnh nhân tâm thần có thể phóng hỏa đốt nhà, thậm chí giết người.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Sáng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên cho biết: “Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính, khi phát bệnh, bệnh nhân thường mất kiểm soát hành vi trong thời gian rất nhanh, có khi chưa kịp xử lý thì đã xảy ra hậu quả”.

Cũng theo ông Sáng, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có kinh nghiệm và chuyên môn nhưng nhiều khi các y bác sĩ cũng phải đối diện với những hành vi tấn công nguy hiểm của bệnh nhân.

“Đối với những bệnh nhân có khả năng thực hành vi nguy hiểm đã được cơ sở y tế khuyến cáo thì cần phải tránh những tình huống gây kích động. Bên cạnh đó phải thường xuyên giám sát, khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh cần tìm sự trợ giúp để có biện pháp kiểm soát kịp thời” – ông Sáng khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Giang Nam – Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho hay, việc quản lý bệnh nhân tâm thần là rất khó, bệnh viện và cơ sở y tế chỉ quản lý được trong thời gian bệnh nhân đang chữa bệnh, khi ra viện thì việc quản lý chủ yếu do gia đình bệnh nhân.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần nên nếu gia đình người bệnh có nhu cầu thì phải đưa bệnh nhân về các cơ sở nuôi dưỡng tại Vĩnh Phúc hoặc Phú Thọ…” – ông Nam nói.

Theo ông Phạm Giang Nam, biện pháp tốt nhất để kiểm soát các trường hợp bệnh nhân tâm thần có thể gây nguy hiểm cộng đồng là phải đưa bệnh nhân vào các Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần để được chăm sóc, theo dõi và điều trị.

VĂN THÀNH CHƯƠNG