Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ

Tin thế giới - Ngày đăng : 14:06, 05/02/2023

Sự cố khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trong không phận Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Thông tin Bắc Kinh và Washington đưa ra cũng trái ngược nhau.
Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu phát hiện tại Mỹ là khí cầu dân sự, trong khi Washington nói đó là khí cầu do thám. Ảnh: USA Today.

Một quả khí cầu khổng lồ màu trắng trên không phận Mỹ đã gây ra “cơn lốc” ngoại giao, đồng thời gây xôn xao khắp mạng xã hội.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 cho biết đây là sự cố ngoài ý muốn, khẳng định khinh khí cầu phát hiện tại Mỹ là khí cầu dân sự dùng cho mục đích nghiên cứu.

Trong khi đó, Mỹ chắc chắn đó là khí cầu do thám và đã quyết định dùng tên lửa bắn hạ nó trên Đại Tây Dương chiều 4/2.

Sự hiện diện của vật này đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến đi tới Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu mang theo các cảm biến và thiết bị giám sát, có thể điều khiển được và thay đổi hướng bay.

Mục đích là gì?

Lầu Năm Góc và các quan chức khác khẳng định đây là khí cầu do thám của Trung Quốc di chuyển về phía đông nước Mỹ ở độ cao 18,6 km. ABC News đưa tin một quan chức mô tả khí cầu có kích thước bằng ba chiếc xe buýt.

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã biết về vật này ngay cả trước khi nó bay vào không phận Mỹ ở Alaska. Trong khi đó, Nhà Trắng nói ông Biden lần đầu tiên nhận thông báo về khinh khí cầu vào ngày 31/1.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken và Thứ trưởng Wendy Sherman đã nói chuyện với quan chức cấp cao Trung Quốc tại Washington vào tối 1/2 về vấn đề này.

Trong tuyên bố công khai đầu tiên hôm 2/2, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết khinh khí cầu này không phải mối đe dọa quân sự, ngầm ám chỉ nó không mang theo vũ khí. Ông nói thêm sau khi phát hiện, quân đội Mỹ đã hành động ngăn chặn khả năng thu thập thông tin nhạy cảm.

khi cau do tham anh 1
Quả khinh khí cầu trên bầu trời Billings, Montana, ngày 1/2. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, theo ông John Ferrari - học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ngay cả khi không trang bị vũ khí, khinh khí cầu vẫn gây rủi ro cho Mỹ.

Ông nói mục đích của lộ trình bay lần này có thể là nhằm kiểm tra năng lực của Mỹ trong việc phát hiện các mối đe dọa sắp đến và tìm ra lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo phòng không.

Ngoài ra, điều này cũng có thể cho phép thiết bị Trung Quốc cảm nhận được bức xạ điện từ mà các vệ tinh ở độ cao lớn hơn không phát hiện được, chẳng hạn như tần số vô tuyến năng lượng thấp giúp họ hiểu phương thức liên lạc giữa các hệ thống vũ khí của Mỹ với nhau.

Ông cũng cho rằng hành động này có khả năng là lời cảnh báo từ Trung Quốc, cho thấy “họ có thể làm được".

Hành trình tới quyết định bắn hạ

Theo các nguồn tin, ông Biden, cùng một số thành viên Quốc hội, ban đầu muốn bắn hạ khí cầu ngay hôm 1/2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khuyên không nên làm vậy bởi rủi ro với người dân ở bên dưới, và ông Biden đã đồng ý.

Một quan chức cho biết gói cảm biến mà khinh khí cầu mang theo nặng tới hơn 453 kg. Độ lớn và độ cao của khinh khí cầu có thể khiến những mảnh vỡ văng xa hàng km và không thể biết chúng sẽ rơi xuống đâu.

Các quan chức cho biết Mỹ đã giám sát khí cầu bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Hạ nghị sĩ Jim Himes gợi ý việc lấy khinh khí cầu về để nghiên cứu có thể mang lại giá trị: “Tôi thà sở hữu một quả khinh khí cầu Trung Quốc còn hơn là dọn dẹp mảnh vụn từ nó”.

Quan chức quân sự cấp cao Mỹ ngày 4/2 xác nhận khí cầu đã bị bắn hạ ở bờ biển Nam Carolina.

Quan chức này cho biết quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay F-22 và bắn hạ khinh khí cầu bằng một tên lửa AIM-9X.

Các quan chức xác nhận khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị do thám này từ các mảnh vỡ.

khi cau do tham anh 2
Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở Nam Carolina - bao gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do vấn đề "an ninh quốc gia".

Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều 4/2.

Bắc Kinh phản ứng gay gắt với việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, cho rằng Washington “phản ứng thái quá” và “vi phạm thông lệ quốc tế”.

"Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công (thiết bị) dân sự. Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ sau khi xác minh rằng khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và (thiết bị này) tiến vào Mỹ với lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng sáng 5/2, CNN đưa tin.

“Trung Quốc rõ ràng đã yêu cầu Mỹ xử lý vụ việc một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố rằng khinh khí cầu sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với lực lượng mặt đất”, tuyên bố viết.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty có liên quan, đồng thời bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa”, cơ quan này cho biết thêm.

Đến Mỹ bằng cách nào?

Việc khí cầu này bay tới Mỹ là vô tình hay cố tình cũng chưa rõ.

Theo Dan Jaffe - giáo sư hóa học khí quyển tại Đại học Washington, dựa trên các hướng gió, tính toán của Trung Quốc về việc gió Tây ôn đới đẩy khí cầu đến miền Tây nước Mỹ là hợp lý.

Ông Jaffe đã nghiên cứu vai trò của những hướng gió tương tự trong việc mang không khí ô nhiễm từ các thành phố của Trung Quốc, khói cháy rừng từ Siberia và bụi từ bão cát sa mạc Gobi đến Mỹ trong hai thập niên.

khi cau do tham anh 3
Hành trình của khinh khí cầu Trung Quốc trước khi tiến vào không phận Mỹ. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Trần Hoàng.

“Thời gian từ Trung Quốc đến Mỹ là khoảng một tuần. Càng lên cao, khí cầu càng bay nhanh”, ông Jaffe nói. Ông nói rằng khí cầu nghiên cứu và thời tiết thường có khả năng điều hướng tùy thuộc vào độ phức tạp, từ hoàn toàn không điều khiển được đến điều khiển ở mức độ hạn chế.

Mỹ khẳng định khinh khí cầu này có thể điều chỉnh hướng bay, “cố tình di chuyển về phía hoặc vào không phận Mỹ”. Theo Reuters, thông tin này ngược lại tuyên bố trước đó của Bắc Kinh rằng đây là khinh khí cầu dân sự đi lạc vào lãnh thổ của Mỹ sau khi bị gió thổi lệch khỏi hành trình ban đầu.

Từng có vụ việc tương tự chưa?

Khí cầu do thám có từ hàng thế kỷ trước, nhưng được sử dụng phổ biến trong Thế chiến II. Một số người cho biết Mỹ từng chứng kiến các sự cố khí cầu do thám từ Trung Quốc, và một nguồn tin nói có 2 vụ xảy ra dưới thời ông Donald Trump nhưng chưa bao giờ được công khai.

Ông Ryder xác nhận đã có những sự cố khí cầu đến gần hoặc bay qua biên giới Mỹ, nhưng điều khiến vụ việc lần này khác biệt là thời gian khí cầu bay qua lãnh thổ Mỹ và khoảng cách thâm nhập.

Craig Singleton - thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ Dân chủ - cho biết các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được nhìn thấy nhiều lần trong 5 năm qua ở các khu vực khác nhau của Thái Bình Dương, bao gồm cả gần căn cứ quân sự nhạy cảm của Mỹ ở Hawaii.

Ông nói khí cầu do thám đóng vai trò là phương tiện vận hành chi phí thấp nhằm thu thập thông tin tình báo. Một số loại có thể được sử dụng để phát hiện tên lửa siêu vượt âm.

Người dân quay được khinh khí cầu Trung Quốc bay trên Mỹ Nhân chứng nhìn thấy khinh khí cầu Trung Quốc vào hôm 1/2 cho biết vật thể này đã dừng lại trên một sân bay ở thành phố Billings, bang Montana trong khoảng 35 phút.