Dịp Tết Nguyên tiêu, nhiều người đến chùa Ông (quận 5) hành lễ và "vay lộc", hẹn năm sau sẽ mang trả gấp đôi, mong làm ăn phát đạt.
Tối 4/2, một ngày trước rằm tháng giêng, nhiều người Hoa ở khu vực Chợ Lớn và du khách viếng chùa Ông, mong cầu may mắn, phước lành trong năm mới.
Chùa Ông, còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An là hội quán của người Triều Châu và Hẹ sang Việt Nam sinh sống, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19. Chùa thờ Quan Công (hay Quan Thánh đế quân), một nhân vật thời Tam Quốc có tấm lòng trung nghĩa và chí khí anh hùng.
Khác với nhiều chùa khác, tại đây khách hành hương thường vay lộc thay vì xin về như thường thấy. Tục lệ này có khoảng trăm năm nay, từ những ngày đầu hội quán mới xây dựng.
"Vay lộc" là một hoạt động truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên tiêu của Miếu Quan Đế. Tương truyền rằng Quan Công là vị thần có chức năng bảo trợ, phù hộ cho việc buôn bán của người dân nên mọi người tin rằng nếu được ông cho vay tiền thì việc làm ăn sẽ phát đạt.
Nguyên tắc có vay thì sẽ phải trả, nếu khách viếng chùa vay một phần lộc thì đúng thời điểm này năm sau đến trả lại gấp đôi. Đó là nguyên tắc giao dịch bất thành văn đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Với diện tích khoảng 4.000 m2, chùa là điểm tham quan thu hút du khách ở TP HCM. Năm 1993, công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên, tổ chức vào ngày rằm tháng giêng là dịp mọi người cầu an, giải hạn, mong một năm an lành. Hoạt động Tết Nguyên Tiêu tại TP HCM diễn ra trong hai ngày 4 và 5/2 (14 và 15 tháng giêng) tại công viên Văn Lang, Trung tâm Văn hóa quận 5 và khắp các hội quán người Hoa với các chương trình diễu hành, biểu diễn nghệ thuật ca hí kịch, múa lân sư rồng...