Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc
Tin thế giới - Ngày đăng : 11:25, 05/02/2023
Các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc trên Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xác nhận hôm 4/2, theo CNN.
Một quan chức cấp cao cho biết quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay F-22 và bắn hạ khinh khí cầu bằng một tên lửa AIM-9X.
Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
“Chúng ta đã bắn hạ (khinh khí cầu) thành công. Tôi muốn khen ngợi các phi công của đã làm được điều này”, Tổng thống Joe Biden khẳng định.
Ông Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu hôm 1/2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện chiến dịch này trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất từ độ cao hàng nghìn mét, Reuters đưa tin.
Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị do thám này từ các mảnh vỡ.
Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở Nam Carolina - bao gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do vấn đề "an ninh quốc gia".
Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều 4/2.
"Chúng tôi đánh giá nó không có khả năng cung cấp thêm giá trị đáng kể so với thiết bị trí tuệ nhân tạo khác (của Trung Quốc), chẳng hạn vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm khi thu gom các mảnh vỡ", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
Máy bay áp sát
Một phóng viên ảnh của Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng khí phát ra từ máy bay phản lực và va vào khinh khí cầu, nhưng không gây ra vụ nổ nào. Sau đó, nó bắt đầu rơi xuống, người này cho biết.
Phóng viên ảnh của Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy khinh khí cầu bị tình nghi do thám trên trời, với hai máy bay quân sự của Mỹ áp sát bên cạnh.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban lệnh hạn chế bay tạm thời để dọn sạch không phận xung quanh bờ biển Nam Carolina.
Thông báo chặn các chuyến bay đến hơn 260 km vuông - chủ yếu là qua Đại Tây Dương, theo một tài liệu được đăng bởi FAA. Cơ quan này cảnh báo quân đội có thể sử dụng vũ lực nếu máy bay vi phạm các hạn chế và không tuân thủ lệnh rời đi.
Huy động nhiều tàu Hải quân
Theo một quan chức quân sự cấp cao, nhiều tàu Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ đang bảo vệ khu vực nơi chiếc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi.
Hình ảnh khinh khí cầu do thám sau khi bị bắn rơi trên Đại Tây Dương. Ảnh: CNN. |
Quan chức này nói với CNN rằng Hải quân đã lường trước việc phải thu hồi các mảnh vỡ ở vùng nước sâu hơn, nhưng nó đã rơi xuống độ sâu khoảng 14,3 m, khiến "việc thu gom dễ dàng hơn".
Quan chức này cho biết "các thợ lặn có năng lực của Hải quân" sẽ xuống nước khi cần thiết để hỗ trợ hoạt động.
Ngoài ra còn có “các tàu không người lái có thể trục vớt (khinh khí cầu) lên tàu”, quan chức này nói thêm.
Song ông không rõ các lực lượng Mỹ sẽ mất bao lâu để khôi phục bất kỳ thiết bị nào tìm thấy từ chiếc khinh khí cầu bị bắn rơi, nhưng lưu ý rằng việc khôi phục có thể mất "một thời gian tương đối ngắn".
Thiết kế giống khinh khí cầu tầm cao
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 xác nhận khí cầu được phát hiện ở không phận Mỹ là từ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu dân sự, được dùng cho mục đích nghiên cứu thời tiết, Reuters đưa tin.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi đây là khí cầu do thám, và đã hoãn chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh vô thời hạn, cho đến khi "điều kiện cho phép".
Hiện chưa có nhiều phương pháp cụ thể để xác định mục đích của khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Các chuyên gia cho biết bước đầu để xác định nó có phải khinh khí cầu do thám hay không là phải thu giữ các thiết bị lắp trên khí cầu, theo Washington Post.
Các chuyên gia an ninh và hàng không nói thiết kế của khí cầu có nhiều đặc điểm giống với khinh khí cầu tầm cao, được nhiều bởi nhiều quốc gia trên thế giới để thu thập dữ liệu thời tiết, viễn thông và nghiên cứu khoa học.
Cấu tạo của khinh khí cầu không áp suất tầm cao, được cho là loại khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Trần Hoàng. |
Hiện chưa rõ khinh khí cầu Trung Quốc sử dụng cách gì để di chuyển trên tầng bình lưu. Một số khinh khí cầu tầm cao sẽ được gắn thiết bị định vị bán tự động và cài đặt sẵn lộ trình.
Những trường hợp khác sẽ dựa vào hướng gió, và điều chỉnh tăng giảm độ cao để đón gió đi theo hướng mong muốn.
Hành trình của khinh khí cầu Trung Quốc trước khi tiến vào không phận Mỹ. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Trần Hoàng. |
Vào hôm 2/2, các quan chức Mỹ từ chối thảo luận về công nghệ gì được tích hợp trên khinh khí cầu Trung Quốc, nhưng Lầu Năm Góc khẳng định những vật được lắp đặt sẽ không có nhiều khả năng do thám.
Vì sao dùng khinh khí cầu do thám
Việc sử dụng khinh khí cầu cho mục đích trinh sát và do thám đã phổ biến từ Thế chiến II.
Peter Layton, thành viên tại Viện châu Á Griffith và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, cho biết kể từ thời kỳ đó, Mỹ đã sử dụng hàng trăm khinh khí cầu để theo dõi các đối thủ của mình.
Nhưng với sự ra đời của công nghệ vệ tinh hiện đại cho phép thu thập dữ liệu tình báo từ không gian, việc sử dụng khinh khí cầu giám sát đã lỗi thời.
Trung Quốc có một số vệ tinh trên quỹ đạo, cách Trái Đất khoảng 480 km. Giới chức Mỹ cho biết những vệ tinh do thám của Trung Quốc có thể chụp ảnh và giám sát các vụ phóng tên lửa, giống như Mỹ.
Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong việc thu nhỏ thiết bị điện tử khiến mọi thứ dường như dần thay đổi.
“Trọng tải của khinh khí cầu giờ đây có thể nhẹ hơn và do đó, nó có thể nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ phóng hơn” so với các vệ tinh, ông Layton cho biết.
Blake Herzinger, chuyên gia về chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chia sẻ mặc dù tốc độ chậm nhưng khinh khí cầu không phải lúc nào cũng dễ dàng bị phát hiện.
“Chúng có dấu hiệu nhận dạng thấp và lượng phát thải hầu như bằng 0. Vì vậy rất khó để nhận biết tình huống hay giám sát bằng công nghệ”, Herzinger cho biết.
Quả khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời Billings, Montana, vào ngày 1/2. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, khinh khí cầu có thể làm một số việc mà vệ tinh không thể.
“Các hệ thống dựa trên không gian cũng hoạt động tốt, nhưng chúng dễ bị dự đoán hơn về quỹ đạo”, ông Layton nói.
“Một lợi thế của khinh khí cầu là đường bay của chúng có thể được điều khiển thông qua những tính toán bằng máy tính để tận dụng sức gió và chúng có thể lên xuống ở một mức độ hạn chế. Điều này có nghĩa là chúng có thể ‘bay lảng vảng' một mức độ hạn chế”, ông cho hay.
“Trong khi đó, một vệ tinh không thể di chuyển chậm xung quanh hoặc đứng ở một chỗ, vì vậy sẽ cần tới nhiều vệ tinh để quét chéo qua khu vực được quan tâm nhằm duy trì sự giám sát”, ông nói thêm.
Khinh khí cầu đang theo dõi cái gì?
Theo ông Layton, khinh khí cầu nghi của Trung Quốc có khả năng thu thập thông tin về các hệ thống liên lạc và radar của Mỹ.
“Một số hệ thống này sử dụng tần số cực cao trong phạm vi ngắn, có thể bị khí quyển hấp thụ”, ông nói. “Khinh khí cầu có thể là cơ sở thu thập các kỹ thuật cụ thể như vậy hơn tốt hơn là vệ tinh”.
Đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Cedric Leighton cũng có suy nghĩ tương tự.
“Họ có thể thu thập tín hiệu tình báo, nói cách khác, họ đang xem lưu lượng điện thoại di động, lưu lượng radio của chúng tôi”, ông Leighton nói.
Ông Layton cho biết dữ liệu tình báo do khinh khí cầu thu thập có thể được chuyển tiếp theo thời gian thực thông qua một liên kết vệ tinh quay trở lại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng Montana và các bang lân cận là nơi đặt các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời là căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
"Rõ ràng mục đích của khinh khí cầu này khi được triển khai là để giám sát. Đường bay hiện tại đã đưa nó qua nhiều địa điểm nhạy cảm", một quan chức Mỹ nói.