Sinh viên Nhật Bản "săn" việc làm sớm như thế nào?

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:15, 04/02/2023

Rất nhiều sinh viên ở xứ hoa anh đào săn tìm việc làm từ khi đang học đại học và nhận được lời mời làm việc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều người nghĩ rằng, tìm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng giống nhau. Mọi người sẽ xem xét quảng cáo của các công ty. Các công việc "tìm người" được mô tả cụ thể, liệt kê các kỹ năng cần thiết cho vị trí đó. Sau đó, ứng viên sẽ gửi CV và thư xin việc rồi nếu vượt qua cuộc phỏng vấn, họ sẽ nhận được công việc mà họ mong muốn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang ứng tuyển vào một công ty ở Nhật Bản, đặc biệt nếu bạn sắp sửa hoặc là sinh viên mới ra trường, thì quy trình này hoàn toàn khác biệt.

Thực tế là rất nhiều sinh viên Nhật Bản "săn việc làm" khi đang học đại học và nhận được lời mời làm việc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Những sinh viên đó không thực sự tìm kiếm một công việc mà là một công ty. Khi ứng viên được tuyển dụng, họ thậm chí không biết mình sẽ làm công việc gì trong công ty đó.

Sinh viên đại học của Nhật Bản sẽ bắt đầu tìm việc làm khoảng 14 tháng trước khi họ dự kiến tốt nghiệp. Nếu họ đặt mục tiêu tìm kiếm việc làm thành công, họ cần chuẩn bị cho quá trình này vào năm thứ ba đại học hoặc năm đầu tiên sau đại học, đồng thời vẫn phải cân bằng thời gian để hoàn thành các chương trình học tập của mình.

Nếu đi du lịch Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên phố những chàng trai, cô gái trẻ người bản xứ mặc những bộ đồng phục màu đen chỉn chu như "người làm công ăn lương" nhưng họ không phải là doanh nhân hay nhân viên công sở. Họ là những sinh viên đại học Nhật Bản đang đi tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Quá trình "săn việc làm" bắt đầu đối với hầu hết sinh viên trong những năm cuối đại học, đó là khi họ bắt đầu tham gia các hội thảo nghề nghiệp tại trường của họ và các nơi khác.

Sinh viên Nhật Bản săn việc làm sớm như thế nào? - 1

Nhiều sinh viên Nhật Bản "săn việc làm" từ khi còn đi học (Ảnh minh họa: Jopus).

Trong những năm cuối của chương trình đại học, sinh viên nộp đơn xin việc do các công ty công bố và trải qua quá trình tuyển chọn nhằm giành được lời hứa về việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 3 hàng năm, họ bắt đầu công việc mới ngay trong tháng 4.

Các trường đại học cung cấp cho sinh viên thông tin về cơ hội việc làm, tổ chức hội thảo nghề nghiệp và điều hành các trung tâm nghề nghiệp nơi sinh viên có thể nhận được hướng dẫn về việc tìm việc làm.

Thông qua các hoạt động này, các trường đại học tìm cách chuyển đổi nhanh chóng sinh viên từ "những đứa trẻ" thiếu kiến thức xã hội thành "những người trưởng thành". Theo một góc độ, đây cũng là một hình thức giáo dục.

Kết quả giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp của mỗi trường đại học được đưa tin bởi các phương tiện truyền thông và kết quả tốt là "điểm cộng" của các trường để học sinh cấp ba cân nhắc chọn lựa trường đại học cho mình.

Việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng được thực hiện gần như cùng một lúc hàng năm dựa trên thông báo tuyển dụng của các công ty.

Cách tuyển dụng số lượng lớn của người Nhật khá độc đáo. Các công ty muốn tuyển dụng những sinh viên dự đoán sẽ tốt nghiệp trong những năm tiếp theo, khi sinh viên vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Sinh viên Nhật Bản săn việc làm sớm như thế nào? - 2

Nhiều sinh viên Nhật Bản thích tìm những công việc mà họ có thể làm trọn đời (Ảnh minh họa: USA Today).

Các công ty nước ngoài thường tuân theo hệ thống trả lương dựa trên thành tích. Họ chọn lựa sinh viên theo chuyên ngành phù hợp. Chuyên môn và kỹ năng mà sinh viên thu được trong quá trình thực tập thường là điểm mấu chốt dẫn tới việc sinh viên có được chọn cho vị trí công việc đó hay không.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản đã quen với việc dành thời gian đào tạo nhân viên cần thiết cho công việc của họ. Vì thế các công ty này có xu hướng tuyển dụng những sinh viên có triển vọng, có trình độ tốt, những người có khả năng đóng góp lâu dài cho công ty.

Các công ty Nhật Bản đánh giá cao những sinh viên có khả năng giao tiếp, tính độc lập và khả năng hợp tác trong công việc.

Các công ty Nhật Bản chủ yếu tuân theo hình thức tuyển dụng thành viên. Hình thức tuyển dụng này không quy định rõ loại công việc, địa điểm làm việc hay thời gian làm việc mà đòi hỏi người lao động phải linh hoạt để có thể giải quyết các loại công việc khác nhau.

Phong cách làm việc rất độc đáo của Nhật Bản đòi hỏi sự cống hiến không giới hạn của nhân viên để đổi lấy việc làm và lợi ích ổn định. Các công ty tuyển nhân viên thông qua một chiến dịch tuyển dụng thống nhất hàng năm. Sau đó họ đào tạo tại chỗ giúp nhân viên trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng.

Lý do nhiều sinh viên Nhật Bản dồn tâm huyết để "săn việc làm" từ khi còn đi học là vì họ lo lắng rằng nếu không "nhanh chân" sẽ không tìm được việc và họ có quan điểm rằng, "nơi làm việc được quyết định từ trong khi học đại học".

Ngoài ra, nhiều người Nhật vẫn thích tìm những công việc mà họ có thể làm trọn đời (làm việc cho một công ty cho đến khi nghỉ hưu). Họ tin rằng nếu có thể kiếm việc làm tại các công ty hay tập đoàn nổi tiếng thì họ sẽ có cuộc sống ổn định, thu nhập khá tới cuối đời.

Đáng chú ý, "săn việc làm" là một hoạt động dành cho mọi sinh viên trong các trường đại học Nhật Bản, kể cả sinh viên nước ngoài. Năm 2018, có 25.942 sinh viên nước ngoài được nhận vào làm tại các công ty Nhật Bản sau khi tốt nghiệp. Con số này vẫn tăng lên hàng năm.

Hơn 50% các công ty Nhật Bản cho biết, trong quá trình tuyển chọn nhân sự, các công ty không quan tâm đến quốc tịch của ứng viên và coi sinh viên nước ngoài bình đẳng với sinh viên người Nhật Bản.

Vĩnh Ngọc