Báo Hàn Quốc kỳ vọng Văn Toàn không phải cầu thủ tiếp thị tại K.League 2
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 08:47, 04/02/2023
Trước thềm K.League 2 năm 2023, chuyên trang bóng đá Best Eleven đã có bài viết dài về xu hướng sử dụng các ngoại binh Đông Nam Á của các đội bóng Hàn Quốc. Lao Động xin giới thiệu bài viết đến độc giả.
Xét về nhiều mặt, K.League 2 năm 2023 được cho là sẽ tác động lớn đến suất ngoại binh của các đội K.League trong tương lai, đặc biệt là việc vận hành suất ngoại binh khu vực ASEAN. Mùa giải 2023 chứng kiến số lượng cầu thủ Đông Nam Á nhiều nhất từ trước đến nay. Người hâm mộ sẽ tập trung vào việc liệu họ có thể chứng minh rằng họ có thể giúp đội về mặt kỹ năng hay không, thay vì chỉ đơn giản là tiếp thị hình ảnh.
Tính đến ngày 3.2, có tổng cộng 5 cầu thủ Đông Nam Á đăng ký thi đấu tại K.League 2. Đó là Asnawi Bahar của Indonesia, cầu thủ đã có 2 năm thành công tại Ansan Greeners trước khi chuyển đến Jeonnam Dragons; Nguyễn Văn Toàn của Seoul-Eland; Kogileswaran Raj (Malaysia) của Chungbuk Cheongju FC; Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh của Cheonan City FC.
Chưa khi nào các đội K.League 2 lại tích cực chiêu mộ cầu thủ Đông Nam Á đến vậy. Theo nhiều cách, người ta nhận thấy có sự thay đổi trong quan điểm đối với các cầu thủ Đông Nam Á. Trong quá khứ, khi Nguyễn Công Phượng và Lương Xuân Trường đến K.League, nhìn một cách khách quan, những cầu thủ Đông Nam Á như thế này chỉ được coi là những tân binh tiếp thị cho thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, dù họ được xem là những cầu thủ xuất sắc ở Đông Nam Á, nhưng ở K.League, khả năng thực chiến của họ còn khá mơ hồ. Khi Xuân Trường còn thi đấu tại đây, nhiều phóng viên đã hỏi về việc liệu anh có thi đấu hay không. Các huấn luyện viên không dễ để đưa ra các câu trả lời xác đáng và thực tế họ không cho cầu thủ nhiều cơ hội. Những cầu thủ này sau đó phải trở về nước sau 1 hoặc 2 mùa giải. Hiệu ứng ASEAN không quá lớn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, số tiền để đưa họ đến Hàn Quốc là quá đắt so với đóng góp của họ. Trên thực tế, những cầu thủ Đông Nam Á này là những ngôi sao ở quốc gia của họ, vì vậy, các đội bóng Hàn Quốc chỉ có thể mang họ về bằng cách trả một mức giá khá cao về phí chuyển nhượng hoặc mượn.
Thành công của Asnawi Bahar trong 2 năm qua dường như đã giúp xua tan phần nào định kiến này. Lãnh đạo của câu lạc bộ Jeonnam - người đã chiêu mộ ngôi sao của tuyển Indonesia - nhấn mạnh đến yếu tố tiếp thị ở thương vụ này, nhưng yếu tố quan trọng nhất là tài năng của cầu thủ sinh năm 1999.
Trong 2 mùa bóng khoác áo Ansan Greeners, Asnawi đã ra sân 40 trận, ghi 2 bàn và có 3 kiến tạo. Anh được lựa chọn thường xuyên trong đội hình chính thức và được xem là 1 ngoại binh hay tại K.League 2. Do đó, Jeonnam Drangons đã quyết định chiêu mộ anh với niềm tin sẽ tăng sức mạnh cho đội bóng và tạo nên hiệu ứng tiếp thị.
Ngoài ra, nếu các cầu thủ Đông Nam Á được tuyển dụng bởi Seoul E-Land, Cheonan City FC và Chungbuk Cheongju FC đạt được thành công tương đương hoặc vượt qua Asnawi, sự quan tâm đến các cầu thủ Đông Nam Á có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.