Những hộ dân cuối cùng trên đại công trường sân bay lớn nhất Việt Nam
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:42, 03/02/2023
Dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) khởi công xây dựng ngày 5/1/2021, đến nay phần lớn mặt bằng đã được san lấp. Tuy nhiên, tại xã Suối Trầu cũ (nay là xã Bình Sơn, huyện Long Thành) hiện còn 31 hộ dân chưa di dời.
Ấp Suối Trầu 1 (xã Suối Trầu) nằm lọt thỏm giữa đại công trường, bên cạnh là khu mặt bằng rộng lớn đang được san lắp, hiện có khoảng 600 máy móc, thiết bị cùng hơn 1.000 công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường sân bay Long Thành.
Con đường đất duy nhất dẫn vào ấp Suối Trầu 1 hiện chỉ lác đác một vài bóng người qua lại mỗi ngày. Bụi, đất đỏ mù mịt bởi máy móc, xe tải hoạt động liên tục để san lấp mặt bằng.
Những hộ dân chưa di dời hàng ngày phải đi qua đại dự án để ra ngoài đi làm.
"Lúc nào mưa xuống thì sình lầy, trơn trượt, nắng thì bụi bay mù trời, khổ lắm", ông Lê Quang Minh, ở ấp Suối Trầu 1 cho hay.
Cả xã có 31 hộ dân bám trụ lại ở khu vực sân bay Long Thành, trong đó có nhiều gia đình còn trẻ nhỏ, người già yếu.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga (Tổ 3, ấp Suối Trầu 1) cho biết, sau khi dự án khởi công, bà được hỗ trợ khoảng 130 triệu tiền đền bù, nhưng chưa được cấp đất để tái định cư chỗ mới.
"Đất tái định cư tôi chưa được cấp dù đã chờ đợi mấy năm nay. Giờ đi không được, ở cũng không xong", bà Nga nói.
Bà Nga cùng đứa cháu nhỏ phải mượn tạm lán nhỏ của những người đã di dời đi để ở tạm qua ngày. Nơi đây nằm cạnh khu dự án sân bay.
"Tiền hỗ trợ đã gần hết. Hàng ngày tôi phải xin điện, xin nước hàng xóm để dùng tạm", bà Nga chia sẻ.
Phía UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng là do vướng mắc trong cơ chế chính sách đền bù nên việc kiểm duyệt, giải quyết hồ sơ chậm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân dùng hình thức chuyển nhượng viết tay và đất vô chủ dẫn tới khó khăn trong việc xác minh, giải quyết đền bù.
Phần lớn các hộ dân ở đây đã được di dời ra khu tái định cư mới, cấp đất cùng tiền hỗ trợ. Những thứ còn sót lại ở đây chỉ là những ngôi nhà đổ nát, bên cạnh là hàng trăm máy móc, xe tải hoạt động liên tục để thi công dự án.
Ông Lê Minh Quang (ngụ ấp Suối Trầu 1) cho biết, từ khi dự án đi vào hoạt động, máy móc di chuyển thường xuyên làm hỏng đường dây điện, khiến cuộc sống của những gia đình còn lại gặp nhiều khó khăn.
Một số hộ dân dùng giếng khoan là còn nước dùng. "Biết mọi người khó khăn trong việc điện nước sinh hoạt, tôi thường xuyên bơm nước lên bình sẵn để cho bà con dùng chung, may là giếng khoan nên nước vẫn còn dùng thoải mái", bà Lương Mộng Tuyết (56 tuổi, ấp Suối Trầu 1) nói.
Ở cuối ấp Suối Trầu 1, bà Hoàng Thị Thúy cho biết, lý do gia đình bà vẫn còn ở lại khu công trường này là vì chưa được giải quyết dứt điểm về việc hỗ trợ cấp lại đất thổ cư.
Theo bà Thúy, điều bà lo lắng nhất là gia đình có mẹ già, thường xuyên trở bệnh, xe cứu thương khó vào, trong khi đường ra bệnh viện xa xôi, khó đi lại.
Đường dẫn vào nhà của ông Lê Minh Quang bị bao trùm bởi cây cỏ rậm rạp. Ông Quang chia sẻ, hiện ông không thể ở tại căn nhà nhỏ này vì mỗi khi mưa xuống, nước bùn đất từ công trường tràn vào ngập hết nhà. Ông phải sang ở nhờ nhà con gái gần đó.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành sẽ cố gắng hoàn thành phê duyệt hồ sơ cho các hộ dân còn lại, chậm nhất đến tháng 6/2023 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư.
Giai đoạn 2 của dự án cũng đang được thi công song song với giai đoạn 1. Hương lộ 10 đi qua công trường đã được đóng vào ngày 15/3/2022 để phục vụ dự án. Ban quản lý dự án vẫn nới lỏng một tháng cho người dân còn ở trong khu vực dự án chưa di dời tiếp tục đi lại, sau đó đóng hoàn toàn.
Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Dự kiến, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2025.