Brazil sẽ đánh chìm 'tàu sân bay ma'

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:40, 03/02/2023

Brazil thông báo sẽ đánh chìm tàu sân bay loại biên Sao Paulo, sau khi nó không được cập cảng châu Âu vì lo ngại ô nhiễm môi trường.

Hải quân Brazil hôm nay thông báo kế hoạch đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo ở vùng biển sâu 5.000 m, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế cách đất liền nước này khoảng 350 km, bất chấp phản đối từ Bộ trưởng Môi trường Marina Silva.

"Sau khi xem xét tình trạng liên tục xấu đi của chiến hạm và nguy cơ chìm không kiểm soát ngày càng hiện hữu, chúng tôi kết luận không còn giải pháp nào ngoài chủ động đánh chìm tàu sân bay này. Địa điểm chìm nằm cách xa những khu vực cần bảo vệ môi trường và không có tuyến cáp ngầm dưới đáy biển", thông cáo của hải quân Brazil có đoạn.

Tàu sân bay Sao Paulo bị loại biên từ năm 2017 và được kéo đến Thổ Nhĩ Kỳ để tháo dỡ hồi năm ngoái, nhưng không được nhập cảnh sau khi giới chức nước này đánh giá nó là mối nguy hiểm môi trường. Sao Paulo cũng không được vào cảng Brazil do liên tục ngập nước và đối mặt nguy cơ chìm, khiến nó trôi nổi trên Đại Tây Dương suốt ba tháng qua và được ví như "tàu sân bay ma".

Tàu sân bay Sao Paulo được kéo đến châu Âu hồi tháng 8/2022. Ảnh: Shipspotting.

Sao Paulo là chiếc thứ hai thuộc lớp hàng không mẫu hạm Clemenceau, được hải quân Pháp biên chế trong giai đoạn 1963-2000 với tên gọi là Foch. Brazil mua chiến hạm Foch cuối năm 2000 với mức giá 12 triệu USD, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới vận hành tàu sân bay dùng cơ cấu máy phóng và cáp hãm đà (CATOBAR), bên cạnh Mỹ và Pháp.

Quyết định mua tàu sân bay Sao Paulo nằm trong nỗ lực cải thiện năng lực tác chiến của hải quân Brazil từ năm 1980, với mục tiêu sở hữu phi đội tiêm kích phản lực cánh bằng hoạt động trên tàu sân bay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng động thái mua tàu sân bay của Brazil mang tính phô trương hơn là phục vụ mục đích quân sự.

Sao Paulo không đạt được kỳ vọng và bị coi là một trong những tàu sân bay gây thất vọng nhất thế giới, khi liên tục nằm đắp chiếu trong xưởng bảo dưỡng.

Quá trình nâng cấp, trang bị nhiều hệ thống tác chiến mới diễn ra trong giai đoạn 2005-2010, tiêu tốn khoảng 19 triệu USD ngân sách quốc phòng của Brazil. Sao Paulo sau đó chạy thử trên biển và dự kiến trở lại biên chế năm 2013. Tuy nhiên, một vụ cháy nghiêm trọng năm 2012 khiến kế hoạch này bị đình trệ, tàu sân bay Brazil tiếp tục trở lại nhà máy để nâng cấp. Trong gần 20 năm phục vụ hải quân Brazil, nó chỉ ra biển tổng cộng 206 ngày.

Theo VNEXPRESS