Mẹ chồng ép gửi con cho ông bà ngoại nuôi, tôi quặn lòng mỗi lần nghe bà oán trách
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 19:55, 02/02/2023
Tôi sinh ra trong một gia đình 2 anh em, gia cảnh khá giả. Anh trai lớn hơn tôi những 10 tuổi, hiện đã có vợ và sống cùng với bố mẹ tôi. Gia đình chị dâu còn giàu có hơn nhà tôi, chị dâu từng đi du học, giúp đỡ anh trai và gia đình tôi rất nhiều nên trong nhà tiếng nói của chị rất có trọng lượng. Song, cũng vì vậy mà chị hay lên mặt dạy đời người khác lắm.
Lúc tôi yêu chồng, chị dâu ra sức ngăn cản chỉ vì anh là một nhân viên quèn trong siêu thị điện máy, lương ba cọc ba đồng. Nhà anh nghèo, đông anh em, anh lại là con trưởng nên phải giúp đỡ gia đình chăm sóc các em. “Gia đình cậu ta quá khác biệt với nhà mình, không hòa hợp được với nhau đâu, em nên chia tay cậu ta và tìm người khác đi, nếu không sau này người chịu khổ là em đấy”, chị dâu hay nói với tôi như vậy.
Nhưng tôi cảm thấy anh là một người biết phấn đấu và có trách nhiệm với gia đình, tôi cũng tin nếu chăm chỉ sẽ có ngày anh đổi đời. Còn chị dâu dù gì cũng chỉ là người ngoài, chị lấy quyền gì mà dạy đời tôi cớ chứ. Bực nhất là bố mẹ và anh trai cũng nghe chị, cấm cản mối quan hệ giữa tôi và anh, nhưng tôi đã quyết ngoài anh không lấy ai khác rồi.
Cuối cùng gia đình thấy không lay chuyển được tôi nên cho cưới. Bố mẹ mua cho hai vợ chồng tôi căn nhà nhỏ để ở, nhưng nhà đất vẫn do bố đứng tên.
Gia đình tôi không ai ưa anh, nhưng vì tôi cố chấp nên mới cho cưới. (Ảnh minh họa)
Lấy nhau được vài tháng, tôi nhắc lại với chồng chuyện kiếm nghề học thêm thì anh nói tiền làm được bao nhiêu phải gửi hết về quê cho gia đình, không còn đủ để học nữa, với lại anh đi làm về mệt rồi, học không vào. Thấy chồng nói đúng nên sau đó tôi cũng không đề cập tới chuyện này nữa.
Sau đó anh muốn mở quán cà phê nên vợ chồng tôi phải hỏi mượn tiền của bố mẹ. Chị dâu lại tiếp tục dạy đời, nói vốn ít thì nên mở quán nhỏ, từ từ hồi vốn có lời rồi mở rộng ra sau. Anh trai về phe chị dâu, cũng may bố mẹ đồng ý đầu tư tiền cho hai vợ chồng mở quán. Nếu có lãi ông bà cho chúng tôi ăn cả, nếu lỗ bố mẹ sẽ chỉ bù một lần duy nhất, sau đó nếu lỗ nữa thì vợ chồng tôi tự xoay sở.
Thời gian đầu quán bán được, có đồng ra đồng vào, cả nhà ai cũng mừng. Lúc này tôi mang thai, nhưng mẹ chồng lại không vui, nhất quyết bắt tôi bỏ con vì bà đi xem bói, thầy bói bảo con tôi có số khắc cha, nếu sinh ra thì nhà cửa sẽ lụi bại. Lý do quá hoang đường nên tôi không đồng ý, khăng khăng không chịu nên mới giữ được con.
Khi dịch bệnh kéo đến, quán cà phê dần thua lỗ, mẹ chồng đổ lỗi do con gái tôi khắc cha mà xa cách cháu, nói thế nào cũng không nghe. Để cắt giảm chi phí, chồng tôi phải cho nhân viên nghỉ gần hết, anh khuyên tôi nghỉ học nghề để dồn thời gian giúp anh trông tiệm, còn con gái nhờ ông bà ngoại nuôi. Tuy nhiên quán vẫn thua lỗ tới mức phải đóng cửa, bố mẹ tôi phải bỏ tiền túi trả khoản nợ chồng tôi vay mượn.
Khi dịch bệnh kéo đến, quán cà phê phải đóng cửa khiến vợ chồng tôi điêu đứng. (Ảnh minh họa)
Khi tình hình dịch bệnh ổn định, vì từng làm chủ quen rồi nên giờ anh không cam tâm đi làm công ăn lương. Anh muốn chạy taxi nhưng muốn chạy thì phải có cái xe mới một chút. Chồng bảo tôi sang hỏi mượn anh trai chiếc xe, anh đồng ý cho mượn với điều kiện làm hợp đồng thuê xe, anh không lấy tiền thuê nhưng nếu xe hư hỏng, gây tai nạn thì chồng tôi phải tự chịu trách nhiệm sửa chữa, đền bù. Anh cảm thấy bị coi thường, tuy không vui nhưng vẫn đồng ý ký.
Một hôm chồng mặt mày bầm tím trở về nhà, nói rằng xe bị cướp. Anh trai và chị dâu qua nhà gặng hỏi, đòi báo công an, lúc này chồng tôi mới hoảng hốt thú nhận gần đây thua cá độ nên dàn cảnh với bạn mang xe đi cầm lấy tiền trả nợ, định thời gian sau thì chuộc về. Chị dâu giận lắm, đòi báo công an thật, tôi phải khóc lóc năn nỉ hết lời chị mới bỏ qua và tự mình đi chuộc xe về.
Bố mẹ tôi hay chuyện, dù chồng tôi hứa sẽ tu tỉnh làm ăn nhưng ông bà vẫn quyết lấy lại căn nhà vợ chồng tôi đang ở. Khi đang nước sôi lửa bỏng chưa biết phải sống ở đâu thì mẹ chồng lên, khuyên hai vợ chồng về quê sống với điều kiện để con gái lại cho ông bà ngoại nuôi, nếu không chồng tôi sẽ không có ngày ngóc đầu lên nổi. Bế tắc không biết làm thế nào, tôi đành năn nỉ bố mẹ trông cháu hộ một thời gian để tôi thuyết phục nhà chồng.
- Một là con bỏ chồng, hoặc bố mẹ sẽ từ mặt con. Con hãy chọn đi, con đừng u mê mãi như vậy nữa được không?
Bố tôi thẳng thừng tuyên bố. Bố mẹ giận thì sau này sẽ nguôi ngoai, nhưng nếu bỏ chồng thì khó mà quay lại được nên tôi đành giao con gái nhờ bố mẹ nuôi tạm rồi theo chồng về quê. Ngày tôi đi, chỉ có mẹ và anh trai tiễn. Mẹ khóc lóc trách tôi dại dột, còn anh nói anh lo cho cháu không phải vì tôi mà sợ cháu khổ khi theo tôi. Tôi biết những lời này cũng là chị dâu mớm cho anh.
Khi tôi gửi con nhờ ông bà ngoại nuôi, anh trai trách tôi dại dột. (Ảnh minh họa)
Từ ngày đó đến nay đã hơn một tháng trôi qua, tôi luôn cố gắng từng li từng tí một, mọi việc lớn nhỏ trong nhà gần như đều đến tay tôi. Tuy nhiên trong nhà chẳng có tiếng nói cười, chỉ có tiếng dằn mâm xán chén, lúc say xỉn chồng lại lôi tôi ra chì chiết.
- Mang tiếng lấy con gái nhà giàu nhưng mấy năm nay tôi chẳng được lợi lộc gì. Bố mẹ cô là đồ máu lạnh, tính toán, cho con rể cái gì cũng tiếc của, cân đo đong đếm rồi khinh thường tôi.
Chồng đã vậy, mẹ chồng thì liên tục oán trách tôi sinh đứa con gái báo hại, làm hại bố nó mất hết tương lai. Những lúc như vậy tôi chỉ biết lặng lẽ rơi nước mắt chứ không biết tâm sự cùng ai. Tôi mệt mỏi quá. Tôi không nghĩ tôi sai khi sống hết với tình yêu của mình, nhưng tôi không cam tâm sống như vậy. Tôi biết trách ai bây giờ, trách chồng vô tâm ích kỷ hay trách gia đình tôi thực dụng coi trọng vật chất?
Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, nếu lúc trước bố mẹ cho chồng tôi thêm một cơ hội, không đuổi chúng tôi ra đường thì bây giờ chồng tôi có thể sẽ tu tỉnh làm ăn không? Nếu từ đầu gia đình tôi không khinh anh nghèo nàn thì quan hệ của hai nhà sẽ khá hơn không? Bây giờ nếu ly hôn, con tôi sẽ thành đứa trẻ không có bố, hơn nữa tôi vẫn hi vọng anh sẽ lại yêu thương vợ như xưa. Nhà chồng khắc nghiệt, nhà mẹ đẻ cũng dồn ép đẩy tôi vào đường cùng, tôi thật sự rất bế tắc không biết nên làm thế nào.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật