TPHCM đề xuất được nuôi cấy virus SARS-CoV-2, Cục Y tế dự phòng nói gì?

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:32, 02/02/2023

TPHCM - Việc nuôi cấy SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được đề xuất để phục vụ việc đánh giá miễn dịch cộng đồng ở TP HCM, từ đó đưa ra các chính sách về tiêm chủng vaccine phù hợp.

Trước những đề xuất của Sở Y tế TPHCM về việc xin được phép nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay Bộ Y tế đã nhận được công văn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM kèm theo hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III tại bệnh viện.

Trong báo cáo năm 2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng cho biết không thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2, chưa có quy trình thực hành liên quan đến hoạt động nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2, vì vậy trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo cung cấp, báo cáo việc thực hiện kiểm tra, thanh tra phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới theo quy định.

Cục Y tế dự phòng cho hay tại khu vực miền Nam, Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur TPHCM là đơn vị có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III để thực hiện việc nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện ngay công tác giám sát, nghiên cứu phục vụ mục đích phòng chống dịch.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo đơn vị đủ điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TPHCM để thống nhất thực hiện theo quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh dịp lễ Tết Nguyên đán, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với Bộ Y tế cho phép thành phố được nuôi cấy virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, theo ông Vĩnh Châu, nếu được phê duyệt thì việc nuôi cấy virus SARS-CoV-2, đánh giá miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có một phòng an toàn sinh học cấp III. Phòng này đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế, được Bộ Y tế xác nhận an toàn vận hành hằng năm.

 
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất trong cuộc họp với Bộ Y tế mới đây. Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

“Khi nuôi cấy virus SARS-CoV-2 thì việc đánh giá miễn dịch cộng đồng sẽ tốt hơn rất nhiều. Mới đây nhất, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng tại TP.HCM (98% có kháng thể ngừa COVID-19) chủ yếu là dựa vào nồng độ kháng thể và sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa. Để đảm bảo phản ứng trung hòa phải có virus sống trộn với huyết thanh. Nếu như kháng thể trong huyết thanh đủ bảo vệ thì sẽ ức chế virus”, ông Vĩnh Châu cho biết thêm.

HƯƠNG SƠN