Quân sự thế giới hôm nay (1-2): Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển gia nhập NATO
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 21:15, 01/02/2023
*Không quân Mỹ ký kết hợp đồng bổ sung 15 máy bay tiếp liệu KC-46 Pegasus trị giá 2,3 tỷ USD với Hãng hàng không Boeing. Theo đó, lô KC-46 sẽ được bàn giao vào tháng 8-2026. Đây là lô máy bay tiếp liệu KC-46 thứ 9 Lầu Năm Góc đặt hàng Boeing và sẽ đưa tổng số máy bay tiếp liệu KC-46 của Không quân Mỹ đã, đang và sẽ đưa vào biên chế lên con số 128. Trong số KC-46 này, có 68 chiếc hiện đang vận hành ở một số khu vực trên thế giới, trong đó có Trung Đông. KC-46 thường được sử dụng để tiếp liệu cho chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle.
Boeing sẽ tiếp tục cung cấp thêm 15 máy bay tiếp liệu KC-46 cho Không quân Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ |
*Thông tin ngày 1-2 trên Defense News cho biết: Hãng sản xuất máy bay General Atomics đã phóng thử thành công hệ thống máy bay không người lái Eaglet (ALE) từ một thiết bị bay không người lái khác. Theo Chủ tịch General Atomics David Alexander, “ALE là thiết bị bay không người lái giá rẻ, có khả năng sống sót và có tính linh hoạt cao. Thiết bị có thể được triển khai từ máy bay trực thăng hoặc phương tiện mặt đất, cho phép mở rộng phạm vi tiếp cận của hệ thống cảm biến và tăng khả năng sát thương”.
*Nhật Bản và NATO tăng cường quan hệ đối tác: Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đang có chuyến thăm Nhật Bản. Đây là chuyến thăm quan trọng nhằm tăng cường quan hệ NATO - Nhật Bản, hướng tới giải quyết các vấn đề trong khu vực và các vấn đề an ninh chung. Trong chuyến thăm, Nhật Bản và NATO đã ký kết thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải, mở rộng lực lượng tham gia các cuộc tập trận của hai bên. Thủ tướng Nhật Bản cho biết, sẽ thành lập phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại trụ sở NATO trong năm nay để thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể.
*Peru nỗ lực phát triển công nghiệp đóng tàu chiến trong nước: Theo Shephardmeida, ngành công nghiệp quốc phòng Peru đang hướng tới tự chủ trong cung cấp các dịch vụ đóng và hiện đại hóa tàu chiến cho hải quân nước này. Theo đó, giai đoạn đầu Lima vẫn sẽ cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài để chương trình có thể thành công trong dài hạn. Cụ thể theo chương trình, nhà máy đóng tàu trong nước SIMA đã nhận được đơn đặt hàng đóng mới 5 tàu chiến cho Hải quân Peru (MGP), gồm 1 tàu tuần tra ngoài khơi, 2 tầu tuần tra ven bờ và 2 tầu hậu cần. Tổng giá trị hợp đồng là 153 triệu USD.
*Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, khiến hy vọng của Stockholm và Helsinki về việc Quốc hội nước này sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của 2 nước trở nên xa vời. Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển càng trở nên gay gắt hơn sau khi chính trị gia người Đan Mạch Rasmus Paludan đốt một cuốn kinh Ko-ran (Quran) trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters. |
*Thiếu hụt lực lượng lao động đe dọa khả năng hiện đại hóa Hải quân Mỹ
Hải quân và các nhà thầu quốc phòng Mỹ hiện đang đứng trước một thách thức lớn khi có hàng ngàn công việc tồn đọng tại các xưởng sửa chữa của chính phủ cũng như cơ sở công nghiệp quốc phòng tư nhân chuyên sửa chữa và đóng tàu nhưng lại khó tuyển dụng và giữ chân nhân lực lành nghề chất lượng cao cho lĩnh vực quân sự.
Theo Tư lệnh Bộ tư lệnh Hệ thống kỹ thuật Hải quân Mỹ Phó Đô đốc Bill Galinis, đây là “thách thức chiến lược số một trong toàn hệ thống” và hiện tại cả các nhà thầu quốc phòng tư nhân và chính phủ đều đang vật lộn tìm cách thu hút lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Ước tính tới cuối năm 2022, 4 nhà máy đóng tàu thuộc khu vực công của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ sửa chữa và hiện đại hóa tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, đã thiếu hụt khoảng 1.200 công nhân. Nhà máy đóng tàu tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), Hawaii thì vẫn còn đủ nhân viên, nhưng Nhà máy đóng tàu Puget Sound ở Washington lại thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật quân sự, trong khi Nhà máy đóng tàu Norfolk ở Virginia và Nhà máy đóng tàu hải quân Portsmouth ở Maine đang phải đối mặt với “áp lực tới hạn” liên quan lực lượng lao động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ. Ảnh: news.usni.org |
Theo Phó Đô đốc Galinis, một trong những lý do được đưa ra là mức lương cho kỹ sư hải quân đang ngày càng thấp hơn so với những vị trí khác ngay trong lực lượng và so với cả những nhân công làm việc cho “một số nhà hàng đồ ăn nhanh, các công ty như Starbucks, Amazon hay đại loại như vậy”. Thông tin này được ông Galinis đưa ra trong bài phát biểu về ngân sách cho hoạt động quân sự năm 2023 trong đó có thông tin về tăng lương cho nhân viên làm việc tại khu vực công của liên bang, bao gồm lực lượng lao động chất lượng cao tại các xưởng đóng tàu.
Giám đốc điều hành Văn phòng Chương trình tàu ngầm chiến lược Matt Sermon cũng lưu ý trong một phân tích gần đây rằng các cơ sở đóng tàu ngầm sẽ phải chi trả tiền lương cho 100.000 nhân công cần thiết trong vòng 10 năm tới để có thể đủ khả năng sản xuất mỗi năm 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia và 2 tàu ngầm tấn công lớp Virginia.
Một nghiên cứu độc lập cũng đang tiến hành điều tra số lượng nhân công các cơ sở công nghiệp hải quân sẽ cần trong thập kỷ tới chỉ để phục vụ công việc bảo dưỡng tàu ngầm. Theo ước tính ban đầu, công việc này sẽ đòi hỏi phải có khoảng 130.000 công nhân.
Theo Phó Đô đốc Galinis, nhân lực đang là vấn đề khó khăn đối với lực lượng hải quân trong khi mọi chi phí đều gia tăng, bao gồm cả chi phí đào tạo, chi phí giữ chân lực lượng lao động, chi phí để các nhà thầu phụ bổ sung lực lượng lao động và nhập nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Điều khó khăn là ở chỗ “dự toán chi trả cho một vị trí công việc nào đó cũng sẽ chỉ ổn định trong một thời gian ngắn mà thôi... Mọi thứ luôn luôn biến đổi rất năng động trong thị trường nguyên liệu và thị trường lao động”.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo QĐND gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)