Sau Tết, trẻ rủng rỉnh tiền lì xì, dạy con cách chi tiêu thế nào cho đúng?
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:55, 01/02/2023
Bố mẹ giữ hộ tiền nhưng con xin mua đồ lại không cho
Sau Tết, con trai chị Hoàng Thị Hường (Hà Nội) ngồi đếm , được hơn 3 triệu đồng, con đưa cho mẹ số lẻ và đòi giữ lại 3 triệu đồng. Con học lớp 8, đây là năm đầu tiên cậu bé đòi giữ tiền lì xì.
Con đưa ra lý do đó là tiền của con, con được quyền tiêu. Cậu bé trách mẹ năm nào cũng bảo giữ hộ tiền cho con nhưng cuối cùng lại tiêu hết, lúc con xin mua một số món đồ theo sở thích của con thì mẹ từ chối.
"Mặc dù tôi đã giải thích cho con về nguồn gốc của số tiền lì xì đó và mục đích tôi giữ hộ tiền là để đóng tiền học, mua đồ cho con, đưa con du lịch nhưng con vẫn nằng nặc phản đối, con muốn tự tay mua sắm cho bản thân.
Tôi rất bối rối vì đây là lần đầu tiên con có suy nghĩ đó, để con giữ tiền thì không yên tâm vì sợ con tiêu bừa bãi hoặc làm mất, cũng không thể dùng biện pháp mạnh để ép con đưa tiền cho mình", chị Hường nói.
Chị Hường cho biết thêm, trước Tết, con được nhà trường thưởng một số tiền nhỏ vì có thành tích học tập tốt trong học kỳ 1. Tuy nhiên, cậu bé giấu nhẹm chuyện này.
Một lần tình cờ nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, chị Hường mới biết. Về nhà, chị dùng roi để tra khảo, con khai rằng đã dùng số tiền đó để mua quà sinh nhật tặng bạn, vì một số lần bố mẹ chỉ cho vài chục nghìn đồng, không đủ để con mua món quà mà bạn thích.
Vợ chồng chị Hường dự định sẽ để con giữ và tự tiêu tiền lì xì năm nay, điều kiện là con phải ghi chép đầy đủ những khoản chi tiêu và báo cáo bố mẹ hàng tuần, bố mẹ có thể thu lại số tiền bất cứ lúc nào nếu con tiêu hoang phí.
"Trong trường hợp khác, nếu con đổi ý và để bố mẹ giữ hộ tiền, tôi cũng sẽ ghi lại những khoản chi tiêu cho con để con theo dõi.
Con đang có ý không đồng tình việc bố mẹ dùng tiền lì xì của mình để mua đồ cho em hay lì xì lại cho những đứa trẻ khác. Vì vậy, tôi đang băn khoăn không biết dạy thế nào cho con biết chia sẻ với mọi người", chị Hường nói.
Chị Lê Thùy Phương (Hà Nội) có con đang học lớp 7 lại cương quyết không để con giữ tiền lì xì. Chị giải thích với con rằng tiền đó để bố mẹ nuôi con, con giữ nhiều tiền sẽ không an toàn. Năm nào con gái chị cũng nhận về không dưới 5 triệu đồng tiền lì xì.
Từ khi lên cấp 2, con luôn xin bố mẹ cho con tự do quản lý tiền lì xì. Con lý luận rằng lì xì là của con, con có quyền quyết định tặng bố mẹ, nhờ bố mẹ giữ hộ hoặc tự do chi tiêu mà không mất công xin xỏ, việc nuôi con là của bố mẹ nên không thể lấy đó làm lý do để thu tiền của con.
Chị Phương thì cho rằng, con được người khác mừng tuổi bao nhiêu thì bố mẹ cũng phải lì xì lại cho con người ta bấy nhiêu, vì vậy không thể nói số tiền đó là của con. Con chị lại cãi, như vậy là không đúng với ý nghĩa của lì xì, bố mẹ lì xì cho người khác là xuất phát từ tình cảm của bố mẹ, không phải sự trao đổi.
Mùng 4 Tết năm nay, con tính toán tiền lì xì và lại đòi giữ để tự do chi tiêu. Con còn lên mạng tìm kiếm quy định của pháp luật về việc này để cãi bố mẹ, dẫn chứng thông tin cặp song sinh ở Trung Quốc thắng kiện bố và đòi lại được tiền lì xì. Tuy nhiên, vợ chồng chị Phương vẫn bảo lưu quan điểm giữ tiền hộ con, chỉ đưa lại cho con 200 nghìn đồng.
"Con muốn gì thì bố mẹ đều đã đáp ứng đầy đủ, vì vậy, các con không cần giữ tiền. Con cũng chưa đến tuổi tiêu tiền, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị đồng tiền, cách chi tiêu hợp lý nên không được phép giữ tiền.
Tiền lì xì không phải do các con làm ra, nếu được tự do tiêu số tiền đó, các con sẽ nghĩ tiền là dễ kiếm, không trân trọng công sức lao động để làm ra đồng tiền. Hơn nữa, khi tiêu hết tiền lì xì, con dễ nảy sinh thói trộm cắp vì đã quen tiêu tiền, không có không chịu được", chị Phương nêu quan điểm.
Sử dụng tiền lì xì để giáo dục con
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bố mẹ cần dùng tiền lì xì để giáo dục con về cả mặt văn hóa lẫn tài chính.
Trước hết, bố mẹ dạy con về nguồn gốc, ý nghĩa của lì xì là cách người lớn chúc may mắn đến con, giúp con tách biệt được giá trị vật chất ra khỏi chiếc lì xì. Sau đó, bố mẹ trao đổi với con về cách tiêu tiền lì xì, liệt kê những khoản tiền cần tiêu trong một năm, chỉ để con quản lý một số tiền nhỏ.
Bố mẹ có thể dạy con biết đó là tiền của con, bố mẹ sẽ dùng để chi những khoản gì cho con trong học tập và cuộc sống để con nắm bắt, tự cộng trừ và biết mình cần phải tiết kiệm, không chi tiêu phung phí. Theo cách đó, bố mẹ vẫn có thể giữ tiền của con, con được theo dõi tiền của mình "vào, ra" thế nào.
"Bố mẹ dạy con quản lý tài chính bằng cách cho con biết tổng số tiền lì xì của con, để con kiểm tiền, chia ra các khoản đầu tư cho giáo dục, sở thích, tiết kiệm, thiện nguyện… Những khoản nào mang tính sở thích hay thiện nguyện thì nên để con giữ và tự quản lý.
Hay bố mẹ có thể dạy con tư duy tài chính đơn giản bằng cách bảo con gửi tiền tiết kiệm, cho bố mẹ vay để đầu tư. Khi đó con sẽ nhận thức được nếu mình tiết kiệm tiền để đầu tư thì sẽ có lãi", PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, khi các con có tiền, tiêu tiền quá sớm mà không có kỹ năng kiếm tiền, đầu tư hay quý trọng sức lao động thì có thể gặp những nguy hiểm về tài chính như bị lừa đảo, trấn lột, tiêu tiền vào những thứ độc hại, đặc biệt là với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt dễ khiến các con lạm dụng chi tiêu bừa bãi gây mất cân bằng tài chính.
"Nếu để con giữ tiền thì bố mẹ phải giáo dục con, cho con giữ bao nhiêu tùy vào lứa tuổi để đảm bảo an toàn.
Đối với tiền lì xì, quan trọng nhất là bố mẹ phải làm con hiểu ý nghĩa của nó. Khi con nhận tiền lì xì, bố mẹ hãy dạy con đó là sức lao động của người lớn, nói với con rằng các chú, các bác đã dành một ngày làm việc vất vả của mình để chúc mừng năm mới con", PGS. TS Trần Thành Nam cho biết.