Bài 2: Khối tài sản kếch xù của 'tỷ phú lúa gạo' Sài Gòn
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:01, 12/02/2017
Cậu bé mồ côi lấy mái hiên làm nhà
Cậu bé ấy có tên là Quách Diệm (SN 1863) nhưng thường được gọi là Quách Đàm, gốc là người Triều Châu, Trung Quốc.
Quách Đàm có tuổi thơ hết sức cơ cực. Tuổi còn nhỏ nhưng suy nghĩ của cậu rất người lớn. Cậu không chấp nhận là kẻ ăn không ngồi rồi, dựa dẫm vào người khác. Cậu đã phải đổ sức lao động để kiếm lấy bát cơm.
Công việc của cậu bé Quách Đàm là hàng ngày quảy 2 giỏ đan bằng tre trên vai, đi khắp các con đường trong thành phố để tìm mua phế liệu. Những gánh phế liệu này đã nuôi sống cậu để cậu lớn lên thành một Quách Đàm trưởng thành và chững chạc. Cuộc sống của Quách Đàm đến lúc này vẫn còn bấp bênh nhưng trong tâm vẫn nuôi chí làm giàu. Ngoài mua bán phế liệu, Quách Đàm tích góp được số vốn nhỏ nhoi để buôn bán thêm các mặt hàng quý hiếm như da trâu, vi cá.
Việc làm ăn buôn bán của Quách Đàm khá suôn sẻ. Số vốn càng ngày càng lớn nhưng vì vẫn phải ngủ bờ ngủ bụi, Quách Đàm trở thành đích nhắm của bọn bất lương. Nhiều lần bị lấy cắp hết số tiền dành dụm được. Quách Đàm vẫn không nản, tiếp tục làm lại từ đầu.
Trong một tác phẩm viết về Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển từng ghi về Quách Đàm: "Ngày ngày Đàm thả rong làng xóm, hai giỏ tre trên vai, quản bao mưa gió. Buổi trưa, Đàm thuờng nằm nghỉ hàng ba phố trống, ghe phen bị một phu vác lúa làm khổ, móc túi lấy đi giấy thuế-thân để chẹt Đàm chuộc 5 xu 1 hào".
Vừa bị móc lấy tiền, vừa bị bắt chẹt làm tiền nhưng chỉ trong một thời gian Quách Đàm đã tích cóp được số vốn kha khá. Đàm bỏ nghề buôn phế liệu sang mặt hàng da trâu, vi cá. Ông lặn lội đi khắp các nơi từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây tìm mua cho được mặt hàng này để xuất ra nước ngoài.
Quách Đàm thời trai trẻ. Ảnh tư liệu
Ông phất hẳn lên, vốn liếng tích cóp được nhiều và công cuộc làm ăn có dấu hiệu phát triển.
Ông chủ của khối tài sản kếch xù
Ông quyết định thuê hẳn một căn nhà để mở tiệm buôn (Căn nhà này đến nay vẫn còn nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông). Ông đặt tên cho hiệu buôn của mình là Thông Hiệp mà theo giải thích hai chữ này xuất phát từ 2 câu "Thông thương sơn hải" (bán buôn khắp chốn), "Hiệp quán càn khôn" (thu tóm cả đất trời).
Hiệu buôn Thông Hiệp từ đó phất lên như diều gặp gió. Có người cho rằng, sở dĩ ông thành công vì vị trí của hiệu buôn nằm trên long mạch. Nhưng đó cũng chỉ là sự suy đoán thiếu tính khoa học. Sự thành công của ông ngoài sự cần mẫn phải kể đến cách tính toán, sáng tạo thêm cả sự liều lĩnh.
Vài năm sau, vốn liếng tăng cao, ông tiếp tục thuê một căn nhà sát bờ kênh. Con kênh này ăn thông với kênh Tàu Hủ là khu vực chợ Kim Biên bây giờ. Hàng ngày, trên kênh ghe thuyền tấp nập.
Khu vực chợ Kim Biên nơi ngày trước là con kênh. Ông Quách Đàm thuê nhà ở đây và bắt đầu buôn lúa gạo.
Nhìn cảnh mua bán nông sản, lúa gạo, Quách Đàm nghĩ đến một lĩnh vực làm ăn khác đỡ vất vả hơn nhưng lợi nhuận lại nhiều. Từ đó, ông trở thành nhà buôn lúa gạo...
Ban đầu Quách Đàm chỉ buôn bán nhỏ rồi từ đó lớn dần. Ông mở rộng mạng lưới thu mua khắp các tỉnh miền Tây, trở thành nhà cung cấp gạo cho cả Sài Gòn - Chợ Lớn. Những "chành" gạo dọc theo bến Bình Đông, Lê Quang Liêm ngày nay một thời là của ông. Ông là cổ đông chính nhà máy xay lúa Di Xương, sau lại mở thêm 3 nhà máy Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho).
Cứ thế, ông Quách Đàm ngày một giàu lên, trở thành một trong những người có khối tài sản kếch xù ở miền Nam.
Từ một cậu bé lang thang cơ nhỡ, Quách Đàm nhờ vào sự chí thú làm ăn, đã nhanh chóng thành công và là tấm gương cho nhiều thế hệ.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 11/02/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/khoi-tai-san-kech-xu-cua-ty-phu-lua-gao-sai-gon-355582.html