Arsenal dẫn đầu Premier League: Lời cảm ơn Man City và sự hồi sinh ấn tượng
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 09:04, 01/02/2023
Ngoại hạng Anh đã đi qua được một nửa chặng đường. Đội đầu bảng, thật bất ngờ, lại là Arsenal. Sau 19 trận đấu, Pháo thủ thành London chễm chệ trên đỉnh bảng với 50 điểm, tạo ra khoảng cách 5 điểm so với đội nhì bảng Manchester City, cho dù các nhà đương kim vô địch đã thi đấu 20 trận.
Nếu tiếp tục duy trì phong độ như lượt đi (giành 50 điểm sau 19 vòng), thầy trò Mikel Arteta sẽ kết thúc mùa giải với cột mốc 100 điểm, cân bằng kỷ lục điểm số trong lịch sử Premier League. Đó là chiến tích đáng kinh ngạc đối với một đội bóng đã không lọt vào top 4 đội mạnh nhất từ năm 2016 đến nay.
Đóng góp lớn nhất vào thành công của Arsenal dĩ nhiên là thầy trò Mikel Arteta. Từ khi vị chiến lược gia trẻ người Tây Ban Nha được bổ nhiệm dẫn dắt The Gunners, đội bóng này tiến bộ nhanh chóng và ổn định. Từ chỗ kết thúc mùa giải 2020/21 ở vị trí thứ 8, mùa trước thầy trò Arteta đã vươn lên vị trí thứ 5 và hiện tại ngôi cao nhất trên bảng xếp hạng.
Nếu ngược thời gian trở lại những năm đầu thế kỷ, không khó để hình dung ra đồ thị hình Parabol về vị thế của Arsenal trên bản đồ bóng đá Anh. Mùa giải "bất khả chiến bại" 2003/04 chính là đỉnh cao nhất Arsenal đạt được trong lịch sử đội bóng.
Những năm tiếp theo, với sự vươn lên mạnh mẽ của Chelsea, Pháo thủ thành London dần đánh mất vị thế thống trị song cực với Manchester United. Trong khi Quỷ đỏ thành Manchester vẫn duy trì được đẳng cấp thì thầy trò Arsene Wenger ngày càng thụt lùi và chỉ tiêu thay vì tranh chức vô địch được hạ thành lọt vào top 4. Thế nên, cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam vẫn gọi vui Arsenal là "Chú Tư".
Tuy nhiên, "Chú Tư" vẫn chưa phải đáy của đồ thị Parabol. Sau khi Arsene Wenger ra đi, Arsenal loay hoay tìm hướng đi mới và thời điểm này, việc góp mặt trong 4 đội mạnh nhất Ngoại hạng Anh cũng trở thành nhiệm vụ khó khăn. Và như đã đề cập, từ năm 2016 đến nay, Pháo thủ thành London chưa hề góp mặt trong top 4 và có hai mùa giải liên tiếp kết thúc ở vị trí thứ 8, tức còn không có vé dự cúp châu Âu.
Chính trong đêm trường tăm tối và tuyệt vọng ấy, Arsenal tìm thấy ánh sáng hy vọng từ Mikel Arteta, một người cũ của sân Emirates và đang trên đường định danh bản thân trong vai trò một nhà cầm quân. Nhờ kinh nghiệm thi đấu và từng khoác áo The Gunners nên Arteta hiểu rõ thực trạng và văn hóa bóng đá của đội bóng phía Bắc thành London.
Tất nhiên, quan trọng hơn hết, Arteta đã được đánh giá rất cao trong vai trò trợ lý số một của HLV Pep Guardiola, vị chiến lược gia đã gây dựng đế chế xanh Man City. 4 năm gắn bó với Pep, năng lực chuyên môn của Arteta đã được ghi nhận. Do đó bước tiếp theo của vị HLV trẻ này là thoát ra cái bóng của ông thầy. Arsenal chính là cơ hội không thể tuyệt hơn.
Bởi vậy, Arsenal và Arteta đều là sự lựa chọn đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm của cả đôi bên. Kết tinh của cái duyên kỳ ngộ ấy chính là ngôi đầu trên bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh và cơ hội đăng quang tràn trề.
Arsenal không thuộc dạng lắm tiền nhiều của. Cung cách chi tiêu của đội bóng này cũng theo kiểu cần kiệm, giá vé rất cao nhưng mua sắm lại hạn chế. Bởi vậy, kể cả sự xuất hiện của Arteta cũng không khiến những ông chủ của The Gunners mở rộng hầu bao. Tuy nhiên, câu chuyện trên thị trường chuyển nhượng chưa bao giờ chỉ được quyết định bởi tiền.
Đôi khi sự thông minh trong chi tiêu và đôi chút sự may mắn lại đem đến thành công.
Arsenal là minh chứng cực kỳ sống động. Dưới thời Arteta, đội bóng phía Bắc thành London đã có những thương vụ rất khôn ngoan và hợp lý. Điển hình như thương vụ Thomas Partey (45 triệu bảng từ Atletico Madrid), Aaron Ramsdael (24 triệu bảng từ Sheffield) và Ben White (50 triệu bảng từ Brighton), đây đều là những cầu thủ đã chứng minh được năng lực ở đội bóng cũ và tham vọng vươn tới đẳng cấp cao hơn. Thế nên, Arsenal đã sẵn sàng chi đậm trong điều kiện tài chính của đội bóng.
Trong khi đó Martin Odegaard, Gabriel Jesus hay Oleksandr Zinchenko thuộc dạng có tài năng nhưng bị thất sủng tại đội bóng chủ quản và phải tìm cơ hội ở đội bóng khác. Arsenal lại dang tay ra đón và chấp nhận chi ra những khoản cũng không hề nhỏ. Trong đó, Jesus và Zinchenko đến từ Man City. Đó là cái may của Arsenal.
Bởi lẽ, bóng đá Anh có luật bất thành văn trên thị trường chuyển nhượng là không bán cầu thủ cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Sau khi kết thúc mùa giải 2021/22, mùa Hè vừa qua, Man City không xem đội bóng nằm ngoài top 4 và kém tới 24 điểm như Arsenal là đối thủ nên chấp nhận bán Jesus và Zinchenko cho đội chủ sân Emirates. Giả dụ Liverpool đưa ra đề nghị, dám chắc Man City sẽ lắc đầu.
Với "món quà" Zinchenko và Jesus từ Man City, Arsenal mạnh lên trông thấy. Zinchenko lên công về thủ thoăn thoắt và giúp lối chơi HLV Arteta xây dựng hoạt động trơn tru hơn cùng sự liên kết với Thomas Partey và Granit Xhaka tại trung tuyến. Trong khi đó, trước khi dính chấn thương đầu gối dài hạn, Jesus đã thể hiện được vai trò trụ cột trên hàng công. Tất nhiên, nhân vật quan trọng nhất đã rời Man City đến Arsenal vẫn là Arteta.
Zinchenko và Jesus cũng là ví dụ tiêu biểu cho sự hiệu quả và khôn ngoan trong mua sắm của Arsenal dưới thời Arteta. Ngoài ra, sự vươn lên mạnh mẽ của những tài năng trẻ trưởng thành từ học viện của CLB hoặc được chiêu mộ từ rất sớm cũng đóng góp dấu ấn không nhỏ vào thành công chung của Pháo thủ thành London. Đó là Bukayo Saka, Kieran Tierney, Gabriel Martinelli, Emile Smith Rowe hay Eddie Nketiah.
Tổng hòa dàn hảo thủ dưới sự dẫn dắt của HLV Arteta hiện nay có nhiều nét tương đồng thú vị với thế hệ Bất khả chiến bại của Arsenal ở mùa giải 2003/04. Ví dụ, bộ đôi tiền vệ biên Emile Smith Rowe và Bukayo Saka khiến người hâm mộ không khỏi bồi hồi nhớ về cặp Ljungberg - Pires một thời tung hoành trên khắp sân cỏ nước Anh. Odegaard thì điệu đà và khéo léo như Bergkamp, Partey dũng mãnh và toàn diện kiểu Patrick Vieira còn Zinchenko thoăn thoắt giống hệt Ashley Cole… Đó chính là ánh xạ của Arsenal sau gần 20 năm.
Dưới "ánh đèn sân khấu", màn trình diễn phi thường của thầy trò Mikel Arteta là điều dễ nhận ra. Tuy nhiên, từ phía hậu trường, đội ngũ nhân viên đóng góp rất lớn vào thành công chung của Arsenal. Đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ và huấn luyện viên thể lực. Nghe có vẻ "dân túy" nhưng kỳ thực, bên cạnh vị trí dẫn đầu Ngoại hạng Anh, Pháo thủ thành London còn dẫn đầu trong một thông số khác. Đó là sự ổn định.
Theo thống kê, Arsenal sở hữu đội hình xuất phát ổn định nhất Premier League. Có đến 7 cầu thủ đã đá chính tất cả các trận đấu kể từ đầu mùa. Trong những cái tên khác, Martin Odegaard chỉ vắng mặt một trận, Thomas Partey vắng 3 trận và Gabriel Jesus, như đã đề cập bị chấn thương đầu gối dài hạn, nghỉ 5 trận. Zinchenko cũng có thời gian nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương nên vắng mặt 8 trận. Tổng kết lại, 11 cầu thủ đá chính nhiều nhất cho Arsenal mùa này đã đá chính 91,9% số trận, vượt xa phần còn lại.
Số liệu thể hiện sự ổn định của đội hình xuất phát có nhiều ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, các cầu thủ Arsenal tránh được nhiều chấn thương nghiêm trọng và vẫn duy trì được thể lực ổn định. Thứ hai, HLV Arteta hài lòng với màn trình diễn của các học trò cho nên không cần thực hiện quá nhiều điều chỉnh.
Xếp sau Arsenal về chỉ số ổn định của đội hình xuất phát này là Newcastle United (89,1%), Brighton (84,7%), Fulham (84%) và Crystal Palace (85,5%). Top 5 này không phải top 5 trên bảng xếp hạng Premier League, nhưng đây chính là 5 đội bóng đang thi đấu thành công vượt kỳ vọng nên các HLV không thực hiện nhiều điều chỉnh. Chiều ngược lại, hai đội bóng có chỉ số thấp nhất chính là hai ông lớn đang chìm sâu khủng hoảng: Chelsea (69,5%) và Liverpool (74,6%).
Trở lại với Arsenal, Arteta rõ ràng có những hoạch định rõ ràng về nhân sự. Trong số 11 cầu thủ đá chính thường xuyên sân, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha sử dụng Granit Xhaka và Gabriel là hai cái tên cày ải nhiều nhất. Ngoài ra sân trọn vẹn 19 trận tại Ngoại hạng Anh, bộ đôi này còn đá chính thêm 3 trận nữa ở Europa League. Xhaka hay Gabriel không phải là những ngôi sao nổi bật nhưng đây chính là những cầu thủ đem đến sự ổn định cho đội bóng.
Một khía cạnh khác, Arteta cũng chuẩn bị cho những biến cố có thể xảy ra thay vì chỉ phụ thuộc vào đội hình chính. Bóng đá dẫu sao cũng là môn thể thao đối kháng giàu thể lực, những chấn thương do va đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đó là chưa kể đến nguy cơ các trụ cột đột ngột sa sút phong độ. Bởi vậy, gần 50 triệu bảng đã được chi ra ngay trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng để gia cố hàng thủ lẫn tăng cường hàng công, với 2 bản hợp đồng Leandro Trossard từ Brighton và Jahub Kiwior từ Spezia. Bên cạnh sự ổn định, rõ ràng Arsenal luôn có sự chuẩn bị cho mọi biến cố.
Thế nên Pháo thủ thành London dẫn đầu Ngoại hạng Anh không thể chỉ nhờ may mắn.
Trở lại với câu chuyện đồ thị Parabol của Arsenal, sự đi xuống của Pháo thủ thành London trùng thời điểm đội bóng này "chuyển nhà" từ Highbury sang Emirates. Nghe chừng tâm linh song kỳ thực mối liên hệ giữa hai vấn đề rất chặt chẽ.
Highbury nhỏ nhắn nhưng thầy trò Wenger thuộc từng tấc cỏ trên sân. Cầu trường Highbury khiêm tốn nhưng có thể nói luôn đặc quánh mùi thuốc súng. Hai đầu sân bóng, cầu trường Clock End và North Bank là điểm tụ để những cổ động viên (CĐV) nhiệt thành nhất thể hiện sự máu lửa. Trong khi đó, Emirates to, lớn nhưng thiếu điểm nhấn. Cả sân bóng nhuốm bầu không khí trầm buồn như thể người ta đi lạc vào thư viện. Bởi vậy, chính HLV Arsene Wenger từng nói: "Arsenal đã bỏ linh hồn ở lại Highbury".
Trong bóng đá, sân vận động mang giá trị đặc biệt. Đó không chỉ là nơi tổ chức trận đấu. Trên khắp thế giới, nhiều sân bóng nổi tiếng nhờ phần hồn hơn là quy mô, kiến trúc hay công năng tân kỳ. Đơn cử là Signal Iduna Park, sân nhà của Dortmund. Những tấm băng rôn khổng lồ được dựng lên cùng sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, đặc biệt tại đầu khán đài đứng được thiết kế dựng ngược luôn khiến đối thủ phải rợn gáy.
Tại Tây Ban Nha, sân Camp Nou của Barca còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử. Có cây bút đã ví những bậc thềm khán đài Camp Nou vẫn vọng lại tiếng rên siết của người Catalonia dưới ách thống trị của chế độ độc tài Franco. Bởi vậy Barca luôn ra sân với rất nhiều sứ mệnh. Ngược lại, ở Santiago Bernabeu của Real Madrid, đại kình địch của Barca, người ta được chứng kiến phong cách cổ vũ nho nhã và cao thượng. Nơi này, thứ duy nhất được tôn vinh là chiến thắng. Cho dù là chủ nhà nhưng nếu thi đấu kém cỏi vẫn bị la ó. Ngược lại, khán giả sẵn sàng dành những tràng pháo tay tán thưởng cho đối phương, kể cả cầu thủ của Los Blaugrana. Văn hóa ấy hun đúc nên khát khao sinh tồn và ý chí chiến thắng mãnh liệt và bằng mọi giá của Real Madrid.
Trong khi đó ở Anh, Anfield của Liverpool không hề là sân bóng hoành tráng và vĩ đại nhất. Tuy nhiên, cầu trường Anfield luôn sôi động nhất. Những bài ca cổ động hùng hồn biến The Kop trở thành vị chủ nhà bất kỳ ai cũng e ngại.
Đại chúng hơn là những sân bóng tại Nam Mỹ. Những người hâm mộ hay CLB tại vùng đất này dĩ nhiên không thể có điều kiện như châu Âu, tuy nhiên sự cuồng nhiệt luôn đầy ắp trên những khán đài. Đôi khi không phải cứ sang trọng, hoành tráng mới gặt hái thành công. Bóng đá, suy cho cùng, là môn thể thao đại chúng. Bóng đá dành cho tầng lớp dân lao động. Bóng đá sẽ trở nên vô vị nếu chỉ có những tiếng vỗ tay khe khẽ. Bóng đá cần sự náo nhiệt trên khán đài.
Arsenal chục năm trường lụn bại bởi không nhận ra điều này. Cầu trường Emirates quá yên ắng và giá vé vào sân thì quá cao. Dễ hiểu, Arsenal là một trong những đội bóng bán vé đắt nhất Premier League, mức giá mà chỉ có người hâm mộ trung niên trở lên mới đủ khả năng tài chính để đến sân theo dõi thường xuyên hoặc mua vé mùa. Còn thanh niên, những người hoạt bát và sôi nổi nhất không phải lúc nào cũng sẵn tiền mua vé.
Sau chục năm trường lụn bại, Ban lãnh đạo Arsenal cũng nhận ra vấn đề. Không phải chờ đến khi thầy trò Arteta thành công, người hâm mộ mới quay trở lại sân cỏ. Từ hơn một năm trước, các cầu thủ đã bàn tán trong phòng thay đồ về sự cuồng nhiệt khác thường trên khán đài của một nhóm CĐV có cái tên đầy hiếu chiến Ashburton Army.
Ashburton Army vốn là hội CĐV theo kiểu cuồng tín, cực đoan Nam Mỹ. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Arsenal đã chấp nhận sự hiện diện của nhóm CĐV này thay vì bài trừ như xu hướng sang trọng hóa sân bóng của các nhà quản lý bóng đá Anh. Kết quả là sĩ khí của các cầu thủ được đun sôi ngay khi trọng tài chưa nổi hồi còi khai cuộc.
Emirates không còn là cái thư viện yên ắng đến mức "chỉ một chiếc lá rơi cũng làm ta hoảng sợ". Emirates trở thành đấu trường thật sự của thầy trò Arteta. Chính vị chiến lược gia người Tây Ban Nha từng hào hứng ca ngợi sau chiến thắng trước kình địch láng giềng Tottenham: "Có lẽ đây là điều tuyệt vời nhất tôi từng thấy ở sân bóng này kể từ khi gắn bó với CLB". Còn Martin Odegaard, linh hồn của đội bóng thốt lên: "Thật tuyệt khi được thi đấu trên sân bóng này".
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên Arsenal đang hồi sinh rực rỡ và chễm chệ trên đỉnh bảng Ngoại hạng Anh.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên
01/02/2023