TPHCM: Khu bến cảng Nhà Rồng sẽ thành bến tàu quốc tế

Nhịp sống - Ngày đăng : 19:03, 31/01/2023

Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất, khu Nhà Rồng - Khánh Hội và khu công viên Mũi Đèn Đỏ sẽ thành bến tàu khách quốc tế, phục vụ giao thông và du lịch đường thủy.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc triển khai các nội dung liên quan quy hoạch cảng, bến thủy nội địa; cơ chế giao thuê đất; đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy... nhằm phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn.

Cụ thể, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao cho Sở và các đơn vị liên quan rà soát 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa ở TPHCM giai đoạn 2020-2030, lựa chọn các bến cầu ưu tiên đầu tư để phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch để cập nhật quy hoạch trong năm 2030.

Sở GTVT cũng đề xuất cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu trình UBND TP cơ chế, chính sách giao, cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, phục vụ phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy.

TPHCM: Khu bến cảng Nhà Rồng sẽ thành bến tàu quốc tế - 1

Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Về đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy, Sở GTVT đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phương tiện thủy trên sông Sài Gòn, khu vực Cần Giờ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đường thủy, xây dựng cầu vượt sông, nạo vét luồng; đẩy nhanh tiến độ công trình cống ngăn triều...

Với khu Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4, TPHCM), nơi này đã có cầu cảng kiên cố, thuận lợi về vị trí, quá trình hình thành và phát triển gắn với lịch sử thành phố nên có sức hút về du lịch. Do đó, có thể chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành bến tàu quốc tế và nội địa.

Sở GTVT cũng đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục xây dựng bến để triển khai xây dựng và sớm đưa vào khai thác sử dụng bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TPHCM).

TPHCM có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, bao gồm 101 tuyến, tổng chiều dài 913km. Từ tài nguyên phong phú và đa dạng đó, TP đã hình thành nên các loại hình vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.

Với lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận. Do đó, TP vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thủy trên địa bàn phát triển chưa tương xứng, 74 bến thủy nội địa phục vụ hành khách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước đó, Dân Trí đã có bài phản ánh về thực trạng đường thủy, cũng như mục tiêu của TPHCM năm 2023.

Phương Nhi