Học sinh lớp 10 được đổi môn tự chọn: Phụ huynh học sinh vẫn kêu "rối"
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:55, 31/01/2023
Thầy trò "bò" ra bổ sung kiến thức
Đầu năm học này, Lan Anh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chọn tổ hợp có bộ môn Hóa Sinh vì bố mẹ em thích con theo khối B dễ xin việc.
Thế nhưng học được một học kỳ, cô học trò này cảm thấy đuối bởi khối lượng bài tập môn Sinh quá nhiều và quá sức so với năng lực của em. Lan Anh muốn đổi sang tổ hợp có môn Vật lý.
Với quy định của Bộ GD&ĐT mới đây, những học sinh như Lan Anh có thể đổi môn tự chọn vào cuối năm nhưng dù có "bò" ra học, em cũng khá chật vật để bổ sung kiến thức môn Vật lý sao cho kịp các bạn.
Theo bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lớp 10 đổi môn tự chọn đã giải tỏa được những bức xúc của phụ huynh, học sinh thời gian kết thúc học kỳ 1, cũng như giúp cho các trường có kế hoạch và chủ động giúp học sinh có hướng phấn đấu học tốt hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em.
"Bộ GD-ĐT đã lắng nghe dư luận và có điều chỉnh kịp thời", bà Na nói.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay, ngay khi học sinh vào lớp 10, nhà trường đã tổ chức tư vấn cho phụ huynh học sinh.
Nhà trường xếp một tổ tư vấn ngồi một nơi cố định, tư vấn cho các gia đình, đồng thời hướng dẫn lựa chọn tổ hợp sao cho dung hòa được mong muốn của bố mẹ với sở trường, sở đoản của các con.
Chẳng hạn bố mẹ thích con học khối A nhưng con lại có năng khiếu nghệ thuật hoặc môn năng khiếu nào đó, nhà trường sẽ tham vấn để gia đình có lựa chọn phù hợp, thay vì chọn kiểu cảm tính.
Sau khi học sinh học được vài tuần, chưa có bài kiểm tra định kỳ, một vài em cảm thấy không theo kịp, nhà trường đã cho đổi luôn nên việc bổ sung kiến thức môn mới dễ dàng hơn.
Nên cho chuyển sớm càng tốt
Được biết Công văn 68/BGDĐT-GDTrH mới đây của Bộ GD-ĐT cho phép Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Để được đổi môn lựa chọn, Bộ GD-ĐT yêu cầu học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.
Đồng thời, nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt.
Theo lý giải của đại diện Bộ GD-ĐT, chương trình đã quy định tổng số tiết theo một năm, nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp hay chuyển trường trong học kỳ một, mà nên đợi hết năm.
Học sinh muốn chuyển phải đủ năng lực để học các môn mới, các môn cũ cũng cần đảm bảo đủ điều kiện lên lớp.
Về điều này, cô Hiền cho rằng, việc học sinh chuyển môn tự chọn là nhu cầu có thật.
Nếu sau một thời gian học các em thấy không phù hợp, các nhà trường phải tôn trọng và bố trí sắp xếp để học sinh có nguyện vọng chuyển môn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em.
Việc bù kiến thức được nhà trường bố trí và cân đối số tiết/tuần, cả trong thời gian nghỉ hè sao cho đủ số tiết/năm.
Bà Văn Liên Na cho rằng, có một số nguyên nhân khiến học sinh muốn đổi tổ hợp, trong đó có cả việc các em chuyển trường và ở trường mới không có tổ hợp em đang chọn ở trường cũ.
Vì vậy, bà rất mong Bộ GD-ĐT cho phép học sinh đổi môn lựa chọn ngay khi kết thúc học kỳ 1 vì các em đỡ mất nhiều thời gian cho việc bổ sung kiến thức môn mới.
Đối với những học sinh phải chuyển trường, việc quyết định cho các em sớm đổi môn tự chọn có thể giúp các em thuận tiện hơn khi tìm trường mới mà không phải đi quãng đường xa để học ở trường cũ.
Khi các em chỉ mới học được một học kỳ, việc nhà trường bố trí để các em học bù kiến thức sẽ đơn giản và dễ dàng hơn so với học bù cả năm.