Làm sao để trẻ không uể oải, chán học tập sau Tết?
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 10:22, 31/01/2023
Chán nản, trống rỗng sau kỳ nghỉ lễ
Sau gần chục ngày nghỉ Tết, Giáng Hương, học sinh lớp 7 một trường phổ thông ở Hà Nội bắt đầu lười học.
Nghỉ Tết ngày nào Hương cũng chơi vui. Buổi tối cả nhà thức khuya, sáng ra hai chị em Hương ngủ đẫy mới dậy uể oải ăn sáng.
Có hôm lười ăn quá, bố mẹ đi chúc Tết họ hàng nên hai chị em Hương "hai bữa chập một", tức ăn trưa luôn, khỏi ăn sáng. Cứ như vậy, Hương bắt đầu lười. Khi nghĩ tới vài ngày nữa trở lại guồng quay thức khuya dậy sớm, Hương bắt đầu hốt hoảng.
Theo một chuyên gia tâm lý, hội chứng chán học sau Tết là biểu hiện thường thấy của nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là học sinh mầm non và cấp 1, cấp 2.
Hội chứng này có thể do cha mẹ quá mải mê cho con hưởng thụ ngày tết mà quên nhắc nhở các con liên quan đến việc học. Cũng có thể trong những ngày nghỉ tết, do bố mẹ quản lý lỏng lẻo kiểu "bù đắp" cho con những ngày học hành vất vả nên cho ôm điện thoại, chơi game…, quá nhiều dẫn đến tác dụng ngược.
Trong thời gian Tết, trẻ thường được ba mẹ nới lỏng giờ giấc đi ngủ và thức dậy. Liên tục trong thời gian dài như thế sẽ dễ khiến cho trẻ quen giấc không tốt này.
Đối với người lớn, việc nghỉ lễ dài ngày cũng khiến phụ huynh rơi vào trầm cảm. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 40% số người đang trải nghiệm căng thẳng hơn khi bước vào một kỳ nghỉ lễ.
"Nghe có vẻ lạ nhưng những lý do hàng đầu khiến sự căng thẳng xảy ra là khi nghỉ lễ, chúng ta có quá nhiều thứ phải chuẩn bị dẫn đến thiếu thời gian. Thậm chí, nhiều người thiếu ngủ vì lịch trình lễ Tết bận rộn làm tăng thêm mức độ căng thẳng.
Nhiều người cảm thấy đặc biệt cô đơn hơn trong những kỳ nghỉ, nếu họ vốn là người rụt rè không thể cùng gia đình và bạn bè trải nghiệm những trò vui trong những ngày nghỉ lễ mà chỉ đứng nhìn…
Tất cả những điều trên không chỉ xảy ra với người lớn mà cũng xảy ra với trẻ em. Chúng thậm chí còn có cảm giác choáng ngợp và quá tải hơn cả người lớn vì không thể thích nghi nhanh với những thay đổi quá đột ngột.
Và mặc dầu bố mẹ có thể nghĩ lễ Tết sẽ làm con trẻ hài lòng với những món quà, lì xì, đồ ăn ngon và những hoạt động chúng tham dự nhưng thực tế là nhiều trẻ vẫn cảm thấy thất vọng sau khi kỳ nghỉ kết thúc.
Nhiều em cho rằng, mình có cảm giác trống rỗng sau khi nghỉ lễ và trở nên lo lắng buồn bã mà không thể nhận ra tại sao chúng lại như vậy", PGS Trần Thành Nam nói.
Dần sắp xếp lại thời gian biểu
Một số chuyên gia cho rằng, trong những ngày đầu đi học sau Tết, trẻ có thể sẽ lười biếng làm bài tập và ôn bài tại nhà.
Do đó, bố mẹ nên ngồi chung với con để sắp xếp lại kế hoạch học tập và ôn lại kiến thức ở trường.
Với những trẻ mầm non hoặc tiểu học, do trẻ còn nhỏ, đôi khi sự tự giác chưa cao nên cần có sự đồng hành của cha mẹ để thôi thúc học tập.
Những câu động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không bị ép buộc, từ đó trẻ sẽ thoải mái trở lại việc học tập hơn.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, đừng quên rằng các em học sinh cần có một vài ngày để lắng lại và trở về nề nếp học đường trước khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.
Cha mẹ hãy ngồi lại với con nói về những kế hoạch quay lại trường học, cùng nhau xếp lại góc học tập, chuẩn bị sách vở cho học kỳ mới và thảo luận về kế hoạch trẻ sẽ quay lại trường thế nào với những hoạt động vui như thế nào.
Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ đi ngủ và thức giấc theo thời gian biểu trước đó, từ trước khi quay lại trường cho tới sau đó một tuần.
Tương tự, một chuyên gia tâm lý khác cũng đưa ra lời khuyên: "Trung bình mỗi đứa trẻ cần 9-10 tiếng ngủ, ba mẹ nên chú ý sự quan trọng của giấc ngủ với con nhé".
Không riêng với trẻ em, ngay cả với người lớn, chuyên gia Trần Thành Nam cũng đưa ra phương án "hâm nóng" tinh thần sau Tết.
Theo chuyên gia này, đầu tiên hãy chấp nhận và cho phép mình được thể hiện cảm xúc sau kỳ nghỉ lễ.
"Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng trong ngày lễ, việc trò chuyện với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình về mối bận tâm của bạn cũng có thể hữu ích. Hãy thử nhắn tin, gọi điện hoặc trò chuyện video với họ.
Cả phụ huynh và trẻ có thể tham gia tình nguyện hoặc làm điều gì đó để chia sẻ, giúp đỡ người khác trong những dịp lễ Tết cũng là một cách hiệu quả để nâng cao tinh thần của bạn và giúp làm quen thêm nhiều bạn bè mới.
Đây cũng chính là cách để giúp con tìm hiểu về thế giới xung quanh và nhận ra rằng nhiều người đang phải vật lộn với cuộc sống chứ không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như chúng.
Hãy để cho con biết rằng đồ chơi và quà tặng rất tuyệt nhưng không phải ai cũng có được mọi thứ chúng muốn.
Vì vậy, thay vì đòi hỏi các món quà hay tập trung vào số tiền lì xì nhận được, chúng sẽ hướng sự chú ý sang những cách thức để giúp đỡ những đứa trẻ khác kém may mắn hơn.
Trong những ngày lễ Tết, phụ huynh và học sinh phải chú ý đến những thói quen lành mạnh như vẫn phải duy trì tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn đúng độ và hạn chế đồ uống có cồn", PGS Trần Thành Nam cho hay.