Châu Á hứng chịu đợt rét đậm kỷ lục
Tin thế giới - Ngày đăng : 11:00, 30/01/2023
Nhiệt độ tại vùng cực bắc Trung Quốc, Mạc Hà, đã hạ xuống ngưỡng thấp kỷ lục âm 53 độ C. Đây được coi là đợt rét sâu nhất trong lịch sử và đủ lạnh để hạ thân nhiệt trong vòng vài phút đối với những người không giữ đủ ấm.
“Thời tiết chưa bao giờ khắc nghiệt như vậy” - bà Zhang Hong, 53 tuổi, chủ một cửa hàng bánh kếp ở Mạc Hà và đã sinh sống tại đây 30 năm, chia sẻ. “Bên ngoài trời thực sự rất lạnh. Gió thổi mạnh đến nỗi làm tôi có cảm giác như đang bị cào mũi và mặt”.
Theo Strait Times, bà Zhang là một trong số hàng trăm triệu người trên khắp Đông Á phải hứng chịu đợt rét kỷ lục này, khi gió bắc cực và tuyết càn quét qua Siberia, Trung Quốc, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Nam Á cũng đang trải qua một mùa đông băng giá. Một số bang tại Ấn Độ chìm trong đợt không khí lạnh khốc liệt vào giữa tháng 1. Tại Afghanistan, các nhà chức trách cho biết, kể từ ngày 10.1, có ít nhất 162 người chết do rét đậm, rét hại tại một số khu vực giảm xuống còn âm 18,3 độ C.
Các nhà khoa học cho rằng, đợt lạnh băng giá mà Châu Á phải đối mặt là do tình trạng xoáy cực, tương tự với hiện tượng thời tiết cực lạnh bao phủ nước Mỹ vào tháng trước. Thuật ngữ này đề cập đến một dải không khí lạnh bao quanh Bắc Cực nhưng đôi khi dịch chuyển về phía nam từ Bắc Cực.
"Hiệu ứng tàu lượn siêu tốc"
Xoáy cực được giữ cố định bởi hiện tương tự quay của Trái đất cùng sự chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ trung bình. Khi những biến đổi về nhiệt độ tăng lên, xoáy cực có thể dịch chuyển về phía nam. Điều này là hoàn toàn tự nhiên, nhưng các nhà khoa học cho rằng khi hành tinh nóng lên, sự dịch chuyển của xoáy cực có thể trở nên thường xuyên và rõ rệt hơn.
Các nhà khoa học hiện chưa rõ biến đổi khí hậu đóng vai trò gì, nếu có thì liệu trong quá trình này hay liệu số lượng của các đợt đóng băng khắc nghiệt có tăng lên khi khí hậu tiếp tục ấm lên hay không.
Nhà khí tượng học Woo Jin-kyu của Cục khí tượng Hàn Quốc cho biết, trong tháng này, xoáy cực đã kéo không khí Bắc Cực đến vùng Trung Á trước khi từ từ di chuyển về phía đông.
“Nó giống như đường ray của tàu lượn siêu tốc. Biên độ của các đường ray càng lớn thì diện tích xoáy cực càng lớn và không khí bắc cực cũng kéo dài về phía nam” - Woo nói.
Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã viết trong một báo cáo vào năm ngoái rằng tần suất và cường độ các đợt lạnh cực đoan trên khắp thế giới có xu hướng giảm từ những năm 1950. Tuy nhiên, ông Howden, Phó Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, cho rằng xu hướng này là mức trung bình và chưa tính đến các biến đổi cục bộ.
“Điều thực tế đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới là chúng ta phải đương đầu với nhiều loại thời tiết khắc nghiệt hơn. Vì vậy những ngày nóng thì sẽ nóng hơn còn những ngày lạnh thì sẽ lạnh hơn” - ông Howden nói.
Giá lạnh từ Afghanistan đến Nhật Bản
Afghanistan ghi nhận đợt rét buốt kỷ lục trong tháng này. Bộ trưởng Quỹ phòng chống thiên tai của quốc gia cho biết, chỉ trong một tuần trước đã chiếm một nửa trong số 162 người tử vong kể từ ngày 10.1.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết có ít nhất 3 trường hợp tử vong liên quan đến diễn biến phức tạp của thời tiết lạnh. Tuyết rơi dày khiến hàng loạt chuyến bay và tàu cao tốc bị đình trệ.
Cơ quan khí tượng Hàn Quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo về đợt giá lạnh khắc nghiệt nhất trong 23 năm qua. Tại Hàn Quốc, hàng trăm chuyến bay đã bị hoãn, huỷ và các bãi biển bị bao phủ bởi lớp băng dày. Truyền thông địa phương cho biết thêm, những người đi câu cá trên băng đã rầu rĩ tạm dừng cuộc phiêu lưu sớm khi dây câu của họ bị đóng băng.
Mặc dù thời tiết đã bắt đầu ấm lên một chút, song cơ quan khí tượng Trung Quốc vẫn đưa ra cảnh báo hàng ngày về nhiệt độ thấp kỷ lục ở quốc gia này. Tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, thời tiết thường xuống tới âm 25 độ C vào buổi tối.