Lễ Khai hạ dân tộc Mường quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:39, 29/01/2023
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa, Thuống tồông là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ.
Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn của tỉnh gồm: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động.
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.
Lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng vì ngày xưa chỉ sau khi tổ chức xong lễ hội, người dân mới bắt tay vào công việc đồng áng, hay lên rừng săn bắn, hái măng...
Ở Hòa Bình, tùy từng vùng Mường mà lễ hội được tổ chức vào các ngày và địa điểm thực hiện nghi trình, nghi thức có sự khác nhau.
Tại huyện Tân Lạc, lễ hội Khai hạ Mường Bi là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản - người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy cho con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước…
Đối với lễ hội Khai hạ huyện Lạc Sơn (Mường Vang) tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng (tức mừng 4 tháng Chiêng theo lịch Mường Vang) tại miếu Áng Ka và tại Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú vào ngày mồng 7 tháng Giêng (tức ngày 7 tháng Chiêng theo lịch Mường Vang).
Đối với lễ hội Khai hạ ở huyện Cao Phong (Mường Thàng) được tổ chức vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng, tại Miếu Cả.
Tại huyện Kim Bôi (Mường Động), lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch (tức mùng 4 tháng tư theo lịch Mường Động) tại Miếu Mường Chanh. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.
Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ hội Khai hạ dân tộc Mường lần đầu tiên với quy mô cấp tỉnh.
Lễ hội năm nay sẽ tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống quê hương, nâng cao niềm tin lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đem đến cho chúng ta những dấu ấn đặc biệt, có một tâm thế tốt trong dịp đầu xuân năm mới.
Lễ Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình diễn ra trong 3 ngày (từ 27 - 29/1/2023, tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Quỹ Mão 2023). Tại lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian với nội dung phong phú, đa dạng mang đặc sắc của nền văn hóa đất cổ Mường Bi.