Về Đắk Lắk nghe kể truyền thuyết đá voi Cha, đá voi Mẹ
Du lịch online - Ngày đăng : 09:30, 29/01/2023
Đá voi là một danh lam thắng cảnh du khách thường nhắc tới khi đến Đắk Lắk. Bởi đây không chỉ là hòn đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam mà còn gắn với những truyền thuyết ly kỳ.
Cả hai hòn đá có hình thù như những con voi khổng lồ sừng sững giữa đất trời nên được người dân gọi là đá voi. Cặp hòn đá còn được nhiều người đặt tên gọi mỹ miều là đá voi Cha, đá voi Mẹ.
Hòn đá voi Mẹ với chiều dài khoảng 200m, cao trên 30m, nằm giữa Hồ Yang Reh và chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ tại xã Yang Reh (huyện Krông Bông). Còn đá voi Cha nằm cách đá voi Mẹ chừng 5km trên một cánh đồng lúa mênh mông tại xã Yang Tao (huyện Lắk), có chiều dài khoảng 70m.
Từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) di chuyển khoảng 35km hướng quốc lộ 27 về phía Đông Nam sẽ bắt gặp hòn đá voi Mẹ (đá voi Yang Reh) nguyên khối như một con voi, đầu hướng về phía mặt trời mọc. Phía bắc là Hồ Yang Reh với cánh đồng lúa xanh mát quanh năm, xa hơn là dòng Sông Krông Ana uốn lượn thơ mộng; phía nam đá voi dựa vào dãy núi Chư Yang Sin xanh ngắt với khí hậu mát mẻ quanh năm.
Vùng đất này xa xưa là nơi giao thoa các bản làng của người M'nông và Êđê. Đá voi Mẹ gắn bó với đời sống của đồng bào Êđê trong khu vực từ xa xưa, đây là địa điểm diễn ra các hoạt động tâm linh của đồng bào như lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng cầu mùa.
Không chỉ vậy, với nhiều người dân bản địa, đá voi Mẹ và đá voi Cha được ví như biểu tượng của thần tình yêu, là nơi linh thiêng, bảo vệ che chở cho tình yêu đôi lứa và cặp đá là bất khả xâm phạm.
Ông Y Gruông Du (70 tuổi, ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk) kể rằng hầu như không ai biết được hai hòn đá voi khổng lồ chính xác có từ khi nào. Người dân trong vùng được các già làng, những người lớn tuổi kể về truyền thuyết của hai hòn đá và cứ vậy truyền từ đời này sang đời khác.
Trong đó, hòn đá voi Cha gắn với truyền thuyết nuốt người con gái đẹp nhất nhì trong vùng. Tương truyền, hòn đá Cha ngày xưa chỉ mềm nhũn và trồi lên khỏi mặt đất với hình thù khác lạ. Hiếu kỳ, người dân trong vùng cứ vậy kéo nhau đến xem, trong đó có hai cô con gái xinh đẹp của một gia đình giàu có trong làng.
Trong lúc hai chị em trèo lên trên hòn đá chơi đùa thì bất ngờ hòn đá dần dần co cứng lại không còn mềm nhũn như trước. Lúc này, cô em nhanh chóng nhảy xuống khỏi hòn đá, còn cô chị bị lún vào hố sâu và dù mọi người đến nỗ lực kéo ra khỏi hòn đá nhưng bất thành. Cứ vậy, người chị dần dần bị hòn đá nuốt chửng vào bên trong.
Người dân làng vô cùng lo lắng nhưng sau đó nhiều người được báo mộng rằng cô gái đẹp đang được sống hạnh phúc với thần đá mãi mãi.
"Hòn đá từ đó trở nên rất linh thiêng, các cặp trai gái thường chọn hòn đá làm nơi hẹn hò và nguyện cầu Yàng (thần linh trong tín ngưỡng của người bản địa - PV) ban cho tình yêu đôi lứa thật đẹp, bền chặt. Không chỉ vậy, khi mùa màng thất bát, đời sống gặp khó khăn gì, bà con đều cầu xin thần đá phù hộ cho ruộng đồng tươi tốt, dân làng ấm no.
Cứ vậy cho đến ngày nay, hòn đá voi gắn liền với đời sống tâm linh của người bản địa, không ai được phép xâm phạm đến hòn đá này vì rất sợ Yàng bắt vạ", ông Y Gruông Du chia sẻ.
Ngày nay, phía trên những hòn đá vẫn còn tồn tại nhiều dấu tích, nhiều đoạn lồi lõm được tương truyền rằng là do dấu chân của biết bao thế hệ từ xưa để lại. Cặp đá như chứng nhân cho biết bao sự đổi thay, phát triển của buôn làng nơi đây.
Đặc biệt, trên núi đá voi Mẹ còn có những hố nước nho nhỏ đọng lại dòng nước xanh rì, mát lạnh đến nỗi người dân có thể múc lên để uống trực tiếp.
Ông Y Thức Êban - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết hòn đá voi có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào bản địa, hàng năm đây là địa điểm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu không chỉ vì sự độc lạ của hòn đá mà còn để nghe kể lại truyền thuyết hấp dẫn.
"Đá voi là dấu ấn bản sắc văn hóa của người dân, gắn bó từ đời này sang đời khác. Hiện đã có đơn vị xin chủ trương để phát triển tiềm năng du lịch từ hòn đá quý này nhằm góp phần phát triển kinh tế văn hóa của địa phương", ông Y Thức Êban chia sẻ.