Cả làng hơn một thế kỷ trông giữ báu vật của vua Hàm Nghi ban tặng
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:13, 28/01/2023
Nguồn gốc báo vật
Cẩn thận sắp xếp các báu vật của vua Hàm Nghi ban tặng cho làng gồm: 2 con voi bằng vàng ròng (1 con 27 chỉ vàng, con còn lại 17 chỉ), 1 con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, áo hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen, sau khi cùng chúng tôi dâng hương lên bàn thờ vua Hàm Nghi làm lễ xin Giang Sơn, sau đó cố đạo Trần Văn Nhung (99 tuổi, ngụ thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia) lần lượt tung hai đồng xu. Một sấp, một ngửa. Vừa dứt, cụ thốt lên "Được rồi, bề trên cho phép rồi", cố đạo vui mừng nói.
Các báu vật của vua Hàm Nghi ban tặng cho dân làng Phú Gia
Bởi theo lời cụ không phải ai muốn xem cũng được, "tất cả phải được bề trên cho phép, người tới xem phải có "duyên" thì mới được xem", cố đạo Nhưng nói.
Về nguồn gốc của những báu vật này, cố đạo Trần Văn Nhung cho hay, tương truyền vào năm 1885, sau khi thất thủ tại kinh thành Huế, vua Hàm Nghi được tướng quân Tôn Thất Thuyết và các đại thần hộ giá Bắc tiến ra vùng đất Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh để xây dựng phòng tuyến, củng cố lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau gần 2 tháng trèo đèo, lội suối, đoàn xa giá của vua Hàm Nghi đã đặt chân đến Thành Sơn Phòng, dưới chân núi Giăng Màn, thuộc xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Biết tin vua về vùng đất Hương Khê, các tướng Phan Đình Phùng (ở huyện Đức Thọ) và Cao Thắng (ở huyện Hương Sơn) đã kéo quân đến gia nhập, giúp vua chống giặc.
Tại đây, trong khoảng thời gian hơn 3 tháng đóng quân, vào đêm 20-9-1885, khi vua Hàm Nghi vừa chợp mắt thì có một nữ tiên từ trên trời giáng xuống báo mộng cho vua là quân giặc đang kéo đến vây bắt.
Ngay lập tức, vua bừng tỉnh rồi rung chuông, tập hợp quần thần lại thông báo giấc mơ của mình với nội dung: "Quân bạch quỷ (giặc Pháp) đang theo kịp chân Trẫm. Việc này do Trẫm định liệu. Nhưng nếu Trẫm còn trú ngụ nơi đây thì muôn dân lành sẽ bị bọn phiến loạn sát hại".
Sau đó, vua Hàm Nghi đã ban sắc chỉ để ghi công nữ tiên và từ đó đền Trầm Lâm (cách thành Sơn Phòng - nơi vua đóng quân khoảng 1km) trở thành đền Muội Thiên Hiện (người con gái trời giáng xuống trần) - đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm như ngày nay.
Cận cảnh các báu vật của vua Hàm Nghi
Trước khi vào Quảng Bình, nhà vua tặng bảo vật quý là voi vàng, kiếm thần để cảm ơn làng Phú Gia vì đã có công chống giặc. Ngoài voi vàng, sau khi rời khỏi Hương Khê để vào Quảng Bình, vua Hàm Nghi cũng ban tặng 2 chuỗi đục đạc đồng đen, 38 đạo sắc được đựng trong 38 ống quyển còn tươi nguyên nét chữ của các triều vua, hai thanh kiếm thần màu đồng nung.
Linh hồn của làng
Để ghi nhận công ơn và tấm lòng của vua Hàm Nghi cũng như phát huy truyền thống yêu nước, hằng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng (Âm lịch), tại xã Phú Gia lại diễn ra Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi. Đây là ngày Khai Hạ đầu năm, nên già trẻ, gái trai trong làng đều nô nức chờ đợi để đến lượt mình được tận mắt thấy những báu vật của vua Hàm Nghi ban tặng cho dân làng.
Theo đó, các báu vật vua ban sẽ được rước từ ngôi nhà của cố đạo chủ ra di tích để làm lễ, rồi được rước tới nhà bàn giao cho cố đạo chủ mới.
Ngoài ra, lễ hội rước sắc phong của vua Hàm Nghi hàng năm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, còn là để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu …
Ông Nguyễn Trung Thương, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hương Khê cho hay những báu vật do vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân xã Phú Gia có giá trị về văn hóa, lịch sử rất lớn. Đây là niềm tự hào và hãnh diện đối với chính quyền địa phương.
"Qua những báu vật này, chúng tôi tổ chức lễ hội Khai Hạ để qua đó giáo dục tinh thần yêu nước tới các thế hệ, nhất là lớp con cháu sau này", ông Thương cho hay.
Cố đạo Trần Văn nhung bên cạnh nhũng báu vật do vua Hàm Nghi để lại
Cũng theo ông Thương, lễ Khai Hạ rước các báu vật của vua Hàm Nghi ban cho làng Phú Gia năm nào cũng thu hút được rất nhiều người dân ở tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh, thành phố khác tìm về dự hội.
Cũng theo ông Thương, năm nay chính quyền địa phương sẽ họp bàn để tuyển chọn tân cố đạo chủ mới. Theo phong tục, tiêu chuẩn của tân cố đạo phải là những người trên 65 tuổi, có học thức, am hiểu tế tự, phải song tuyền (có đầy đủ cả ông, bà). Trước khi tiếp nhận, tân cố đạo chủ phải làm lễ xin các bề trên (dùng đồng tiền xu 2 mặt sấp và ngửa để gieo quẻ) để khẳng định đã được thần linh "ủy thác", dân làng tín nhiệm.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê, cho hay những bảo vật mà vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân xã Phú Gia là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân xã Phú Gia nói riêng huyện Hương Khê nói chung. "Những báu vật này đối với người dân nơi đây là vô giá trị. Do đó, người dân xã Phú Gia coi như báu vật như là lình hồn của làng và từ đó đến nay họ thay nhau truyền giữ", ông Tuân cho biết.
Cũng theo vị này, thì những báu vật vua Hàm Nghi ban cho làng Phú Gia xưa, nay là xã Phú Gia được dân xem như là linh hồn của làng. "Người dân chúng tôi luôn tôn thờ, kính trọng ân đức của một vị vua yêu nước. Do đó, mỗi người dân địa phương luôn có ý thức bảo vệ, lưu giữ một cách cẩn thận để truyền lại cho muôn đời sau", ông Tuân nói.