Éo le từ chủ nợ biến thành tội phạm và giới hạn mong manh hai chữ "thu nợ"
Pháp luật - Ngày đăng : 10:50, 28/01/2023
Tình trạng nợ dai dẳng có nhiều nguyên nhân, nhưng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số đó xuất phát từ thái độ chây ì, không ngại nợ, không sợ nợ của các "con nợ".
Các cụ ta xưa có câu "nhất tội nhì nợ" hay "vay đứng, đòi quỳ" để nói đến các khoản nợ dai dẳng khó đòi. Trước đây theo mặc định chung thì người đi thu nợ thường được ngầm hiểu là phải hầm hố, dữ dằn cơ bắp, xăm trổ đầy mình, ra dáng đàn anh đàn chị để uy hiếp làm cho người có nợ sợ hãi mà phải trả nợ.
Đàng hoàng trong vai chủ nợ, cho vay sự tử tế, bỗng chốc trở thành phạm nhân
Còn thời nay đã khác, pháp luật đã đến gần với mọi người, người nợ cũng rất hiểu biết pháp luật nên chuyện gài bẫy người đi đòi nợ đã xảy ra rất nhiều. Từ chỗ đàng hoàng trong vai chủ nợ, cho vay sự tử tế thì bỗng chốc trở thành phạm nhân, nợ không đòi được mà còn vướng vào vòng lao lí, tù tội.
Câu chuyện dưới đây là thực tế từ một vụ án mà các luật sư của Văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội đang tham gia tư vấn, bào chữa.
Luyến là một người lao động cần cù chịu thương chịu khó, làm công nhân may tại một cơ sở may. Luyến được bà chủ xưởng may nhờ đi vay hộ một khoản tiền, vì nể tình nên chị đã đi vay trả lãi ngày cho bà chủ Hoa.
Những tháng đầu bà chủ trả lãi đầy đủ, nhưng sau đó lãi không trả mà gốc cũng không, bà chủ tỏ thái độ phớt lờ với khoản nợ. Đã thế từ lúc Luyến đòi nợ thì bà chủ cũng nợ luôn lương của chị. Con nhỏ, đi làm không có lương, lại phải trả lãi cao nên Luyến ngày càng bức xúc.
Bức xúc càng lên cao trào khi chứng kiến ngoài nợ Luyến, bà chủ cũng nợ nhiều công nhân cùng làm với mình và đã trốn nợ đi khỏi nhà. Luyến và đồng nghiệp phải bế con đến chầu trực nhà bà chủ Hoa, chờ bà ta về trả cho ít tiền cuối năm lo Tết.
Tháng 12 năm 2022, theo một người báo Luyến được biết bà Hoa đang ở bến xe và chuẩn bị di chuyển vào Nam nên chị lập tức gọi một người bạn tên Kiên (Kiên đã có tiền án về tội cướp tài sản) đi cùng để đòi nợ. Hai người đến bến xe yêu cầu bà Hoa lên xe chở về nhà để giải quyết công nợ, bà Hoa ngoan ngoãn lên xe.
Đến nhà, Luyến và Kiên yêu cầu bà Hoa trả tiền, biết trong nhà có camera bà ta diễn tỏ vẻ sợ sệt, giả ngất trong khi Luyến và Kiên to tiếng dọa nạt, sau đó bà chuyển khoản cho Kiên một số tiền rất nhỏ, cả ba vui vẻ ăn uống... Nhưng ngay trên đường về bà Hoa đã ra công an tố giác hành vi cướp tài sản của Kiên và Luyến.
Cơ quan Điều tra sau đó đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Kiên và Luyến, do Kiên có tiền án về tội cướp nên bị Cơ quan Điều tra truy tố khoản 2, còn Luyến bị truy tối khoản 1 tội "Cướp tài sản". Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản".
Từ vụ án trên mới thấy, gianh giới giữa thu hồi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh. Chỉ cần một hành vi "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực" làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là đã có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Trong trường hợp này, bà Hoa "được cho là vì sợ" mà trả tiền một cách "không tự nguyện" dưới áp lực "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực" của Luyến và Kiên là đã có thể xem xét có dấu hiệu của tội cướp tài sản. Vậy như thế nào được coi là hành vi dùng vũ lực, là đe dọa dùng vũ lực hay hành vi khác làm cho đối phương sợ? Trong trường hợp trên, con nợ không sợ nhưng làm ra sợ sệt thì có phải là con nợ đã bẫy người thu nợ không?
Giới hạn mong manh từ việc đi đòi nợ
Có rất nhiều người bắt đầu từ việc đi đòi nợ mà trở thành người phạm tội, điều này rất dễ xảy ra bởi nhiều lý do. Thứ nhất, người đi đòi nợ thường trong trạng thái rất bức xúc.
Ngoài việc tài sản là tiền bị chiếm giữ, thì cho vay tiền là vì tin tưởng, trân trọng mối quan hệ, là thương người muốn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận, cho vay tiền là cho vay niềm tin, nghĩ rằng mình đã đối xử tốt với họ như thế thì họ sẽ không phụ lòng tốt của mình, rồi rất nhiều trường hợp đi vay để cho vay, cho vay không lãi hoặc lãi thấp để giúp đỡ nhau...
Những trường hợp như thế người đi đòi nợ chắc chắn rất bức xúc, tổn thương, mất niềm tin nên thường không giữ được bình tĩnh trước thái độ coi thường, phớt lờ của con nợ.
Thứ hai, nhiều chủ nợ không phải là người sống bằng nghề cho vay nên thường thiếu hiểu biết trong lĩnh vực này. Họ hay phạm phải những lỗi cơ bản khi đòi nợ, trở thành người vi phạm pháp luật mà không hay biết. Chúng ta không khó để bắt gặp đâu đó việc chủ nợ đòi sống chết với con nợ nếu như con nợ tiếp tục khất nợ, thất hứa, không trả tiền, và trong nhiều trường hợp họ đã thực hiện lời đe dọa mà không hề ý thức được rằng mình đang phạm pháp.
Trong vụ án trên, sau khi tìm hiểu về gia cảnh của Kiên, chúng tôi rất lấy làm tiếc, vừa giận vừa thương bị can và thương người chịu thiệt thòi hơn nhất chính là vợ và hai con của bị can, vì những hạn chế hiểu biết pháp luật đã đẩy một gia đình vào cảnh chia lìa, bất hạnh.
Được biết con gái Kiên hiện mới được 1 tuổi, vợ Kiên dù đã lấy chồng 20 năm nhưng chỉ được sống bên chồng 5 năm, còn lại là cảnh chồng tù tội vợ lủi thủi nuôi con. Lần trước Kiên đi tù về tội cướp tài sản khi đứa con trai đầu lòng của Kiên mới được 1 tuổi, giá trị tài sản mà Kiên cướp được là ba mươi lăm nghìn đồng để đổi lại phải lĩnh 10 năm tù.
Lần này khi đứa con gái thứ hai mà Kiên rất yêu thương cũng mới được 1 tuổi, Kiên lại vướng vào lao lí. Kiên rất tự tin khi đi giúp Luyến, khi Luyến hỏi Kiên: "như thế có sao không", Kiên trả lời: "đi đòi nợ cho mi như răng thì tau đảm bảo là hợp pháp, mi yên tâm tau hiểu biết mà". Khi công an vào nhà mời Kiên lên trụ sở, anh còn bảo vợ: "lát tau về mi yên tâm", nhưng Kiên đi và bị tạm giam luôn từ đó, Tết cũng không được về và còn lâu mới được về.
Còn với Luyến, thì từ một người làm ăn lương thiện, hiền lành, không dám to tiếng với ai, nay vì đi đòi nợ mà đã không lấy được nợ lại phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc. Mặc dù được tại ngoại trong thời gian điều tra nhưng sống thấp thỏm không yên, và vì tin Kiên hiểu biết mà giờ cũng thành hận Kiên đã kéo mình vào vòng lao lý.
Vậy còn bà Hoa có tội gì không? Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, ông và các luật sư trong Văn phòng đang đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi "có tiền không trả" của bà, rõ ràng bà Hoa trong tài khoản có tiền nhưng đã không trả Luyến ngay mà mãi sau khi sự việc xảy ra bà mới trả nên có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Dù thế nào thì đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh đối với những ai còn chủ quan và quá tự tin vào bản thân như K, đi thu nợ đã không lấy được nợ mà còn dẫn đến cái kết cả chủ nợ và con nợ đều dính vào vòng lao lí thì thật đắng lòng.
Làm thế nào để đòi được nợ mà không vi phạm pháp luật?
Vậy câu hỏi đặt ra là đòi nợ như thế nào là hợp pháp, làm thế nào để đòi được nợ mà không vi phạm pháp luật?
Từ kinh nghiệm xử lý thu hồi nợ, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng sẽ không có một công thức nào, hình mẫu nào để thu nợ thành công, hợp pháp cho mọi vụ việc. Người thu nợ trước hết phải am hiểu pháp luật, hiểu rõ các giới hạn mà pháp luật đã đặt ra.
Đối với từng vụ việc cụ thể, người thu nợ phải nắm bắt được bản chất, nguyên nhân của việc nợ, phân tích được từng đối tượng liên quan, quan hệ của các bên để từ đó có cách tiếp cận đúng đắn, ứng xử khéo léo, phù hợp với quy định pháp luật. Trong vụ án trên, nếu Luyến và Kiên chỉ đến gặp Hoa tại bến xe thuyết phục khuyên nhủ Hoa trở về, thuyết phục có tình có lý để Hoa trả nợ, không có lời nói đe nẹt hăm dọa Hoa.
Bên cạnh đó, Kiên cũng không đồng ý để Hoa chuyển khoản vào tài khoản của mình mà yêu cầu chuyển vào tài khoản của Luyến hay không có camera ghi hình, thì chứng cứ để chứng minh Kiên và Luyến phạm tội cướp tài sản là rất khó vì thực tế hai người chưa tác động ngoại lực đối với bà Hoa.
Như vậy, để thu nợ hợp pháp thì trước hết người đi thu nợ phải hiểu biết pháp luật, những quy định trong việc thu hồi nợ về thời gian, phương pháp, cách tiếp cận; Sau đó là những kỹ năng kinh nghiệm, xử lý tình huống thu nợ trong từng trường hợp mà có các ứng xử phù hợp, hiệu quả, tiếp đến là "có một cái đầu lạnh và một trái tim ấm" để thu nợ.
Việc làm chủ được hành vi, cảm xúc, kìm chế được những hành vi nóng nảy, bộc phát là rất quan trọng vì rất có thể người đi thu nợ hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm nhưng vì bức xúc quá, để tình cảm lấn áp ý chí "giận quá mất khôn" nên cần phải luôn giữ cái đầu lạnh. Nhưng vì sao lại phải có trái tim ấm? Cần trái tim ấm để cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh không may mắn, bệnh tật và khó khăn nhưng vẫn có thiện chí trả nợ, hay người nợ vẫn có tình người, đạo đức thì người thu nợ phải biết khai mở tia hy vọng, ánh sáng để người nợ nhận thức được việc có vay có trả là đạo lý, đạo đức của con người...
Câu chuyện "thu nợ" nói thì dễ nhưng thực hành thì không hề đơn giản bởi mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, mỗi đối tượng có một nỗi niềm, bao trùm lên đó là những quy định pháp luật dù chặt chẽ nhưng đan xen và luôn có những giới hạn mong manh giữa phạm pháp và hợp pháp.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)