Cựu Thủ tướng Anh nêu sai lầm của phương Tây ở Ukraine
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:05, 27/01/2023
Trả lời kênh Rada của Ukraine, ông Johnson cho biết, phương Tây lẽ ra nên kiềm chế Nga ngay từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát cách đây 9 năm thay vì chờ đợi giao tranh quy mô lớn nổ ra vào năm 2022. Ông cho rằng, chiến lược của phương Tây vào thời điểm đó là một sai lầm khi không ban hành các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Nga mà lại theo đuổi đường lối ngoại giao.
Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã kéo dài trong suốt 9 năm qua kể từ sự kiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Ông Yanukovich được mô tả là một người có quan điểm thân Nga. Cuối năm 2013, sau khi ông hoãn ký kết các thỏa thuận thương mại và chính trị then chốt giữa Kiev và Liên minh châu Âu (EU) "nhằm đảm bảo an ninh quốc gia" và để đổi lại khoản viện trợ 15 tỷ USD của Nga, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Kiev cùng nhiều thành phố phía tây, rồi nhanh chóng biến thành bạo lực. Đến tháng 2/2014, ông bị lật đổ.
Sau dấu mốc này, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass ở miền Đông trong cuộc giao tranh với lực lượng Kiev.
"Chúng tôi đã đưa ra những biện pháp trừng phạt nào (chống lại Nga) vào năm 2014? Đã có biện pháp ngoại giao gọi là tiến trình Normandy và nó không đạt được kết quả gì. Từ đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin kết luận rằng phương Tây sẽ không ngăn chặn được ông ấy. Đó là chiến lược một sai lầm", ông Johnson nói, đồng thời nhận định rằng "bài học cơ bản" đã được các bên rút ra.
"Biện pháp ngoại giao trên đã không đi tới đâu. Mọi người đã nhận ra một bài học lớn rằng chúng ta thất bại vào năm 2014, chúng ta đã thất bại trong việc thực thi những điều cần làm", ông nói.
Tiến trình hòa bình Normandy - có sự tham gia của Nga, Ukraine, Đức và Pháp - là nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thù địch ở Donbass. Vào năm 2014 và 2015, các bên đã ký được Thỏa thuận Minsk để tìm ra giải pháp hòa bình cho Donbass. Tuy nhiên, thỏa thuận này tới nay đã không còn hiệu lực khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.
Tháng trước, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng, thỏa thuận trên là một nỗ lực để trao cho Ukraine thời gian xây dựng quân đội mạnh hơn. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande sau đó cũng xác nhận thông tin này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, ông "thất vọng và sốc" vì phát biểu của bà Merkel và ông Hollande và nhận định đây là bằng chứng cho thấy chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine là quyết định đúng đắn.