Ngày đầu năm của người ở lại trong vụ xe Audi tông chết 3 người
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 21:00, 27/01/2023
Ngày đầu năm Quý Mão 2023, trong căn nhà nhỏ vắng lặng gần như không có sự xuất hiện của Tết ở khu phố Hòa Yên (thành phố Bắc Giang), Nguyễn Hải Tân (22 tuổi) cẩn thận sắp mâm cơm cúng lên ban thờ - công việc tưởng như chỉ dành cho những người lớn tuổi trong nhà.
Bên ngoài, cả khu phố rộn ràng lời chúc Tết từ những người trẻ và sự vội vã của người già đang chuẩn bị cho hội đình truyền thống. Tân thắp một nén nhang rồi ngồi lặng bên góc gian nhà, phía trên tường là di ảnh của bố, mẹ và em gái treo cạnh nhau.
Nguyễn Hải Tân là người duy nhất còn lại, sau cú tông của tài xế say xỉn trên chiếc Audi vào một đêm mùa hè năm ngoái - cú tông cướp đi sinh mạng những người thân nhất của cậu.
Nguyễn Hải Tân chăm lo ban thờ ngày Tết. Ảnh: Hồng Quang. |
"Người ta rồi sẽ thôi nhắc về vụ tai nạn, nhưng nỗi đau vẫn xé lòng người ở lại"
23h32 ngày 2/6/2022, ôtô Audi 5 chỗ biển số 98A-499.44 đi rất nhanh trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang). Khi qua ngã tư Hùng Vương, ôtô này đã tông tử vong 3 người trên chiếc xe máy. Họ là một gia đình, vừa trở về sau chuyến thăm người con trai cả đang thực tập tại Hà Nội.
Những tiếng khóc cứ thế vang lên từ những người thân đến nhận dạng thi thể và cả người chứng kiến sự việc. Máu trào ra đỏ mặt đường. Mặt trời chưa rạng hẳn trên đất Bắc Giang, đã có 3 người bỏ mạng.
Tân nhớ lại cái đêm ám ảnh khi nhận được hàng chục cuộc gọi, nhưng tất cả số máy đều không phải của bố mẹ. Linh cảm cho cậu biết có điều chẳng lành dù mọi người đã cố giấu, chỉ bảo "nhà em có chuyện".
Về cách nhà khoảng hơn trăm mét, Tân thấy rất đông người đứng phía ngoài. Điều cậu lo sợ đã trở thành hiện thực. Tiễn bố, mẹ và em gái về cách đó chưa lâu, vậy mà giờ trước mắt cậu là cảnh tượng họ nằm giữa nhà, phía trên phủ lớp vải trắng.
Đám tang kết thúc, khi tất cả ra về cũng là lúc căn nhà chìm vào tĩnh lặng. Chàng trai 21 tuổi bất đắc dĩ trở thành trụ cột chính của gia đình cùng trách nhiệm chăm sóc bà nội bị tai biến. Hơn nửa năm trôi qua, nỗi đau mất mát chưa một ngày nguôi ngoai trong cậu.
"Tết này, nhìn những người đến thăm nhà em mà đi cùng cả gia đình, em lại mong có phép màu để được như họ”, Hải Tân cố tỏ ra lạc quan.
Hải Tân mắt ngấn lệ khi được hỏi về gia đình. Ảnh: Hồng Quang. |
Trong khi đó, ngôi nhà của chị Đỗ Thị Hồng Dung (thím của Tân) nằm ở sát vách. Hàng ngày, chị Dung đều sang thăm lo cho sinh hoạt của người cháu và bà cụ.
“Tân là người sống tình cảm, hay suy nghĩ. Tôi vẫn thường chạy qua cơm cháo để cho thằng bé vơi đi nỗi thiếu vắng. Người ta rồi sẽ thôi nhắc về vụ tai nạn của anh chị tôi, nhưng nỗi đau vẫn xé lòng người ở lại”, chị Dung nói.
“Thích nghi với cuộc sống là một phần nhưng dịp Tết, sự thiếu thốn gia đình lại càng dồn dập đến, em thật lòng không muốn bất cứ ai phải trải qua cảm giác này”, Tân mở lòng.
Từ cuộc vui đến nỗi ám ảnh của xã hội
Trong năm 2022, Nguyễn Hải Tân là một trong hàng nghìn người phải chịu khổ đau vì tình trạng sử dụng bia rượu khi lái xe, thứ đã trực tiếp lấy mạng ít nhất 241 nạn nhân trên các tuyến đường. Con số này chưa bao gồm những nạn nhân tử vong do tai nạn vì nguyên nhân khác, nhưng gián tiếp liên quan đến nồng độ cồn.
Trong khi đó, những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không khó để thấy cảnh bãi đỗ xe trước cửa các quán nhậu không còn chỗ trống. Không thiếu những lý do được đưa ra để dẫn tới cuộc liên hoan, và đã là cuộc vui gặp mặt, thường không thể thiếu vắng bia rượu. Tới khi hàng quán đóng cửa, gần như tất cả số phương tiện này đã được lái về nhà.
“Rất ám ảnh khi ra đường dịp này, đường tắc mà chẳng may lại bị ông nào đó say rượu tông vào thì mất Tết”, Trung Hiếu (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói và cho biết anh đã đọc ít nhất 5 tin tức về những vụ tai nạn có liên quan đến nồng độ cồn trong tháng cuối năm.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên phố ở Hà Nội hôm mùng 2 Tết. Ảnh: Hồng Quang. |
Cùng lúc đó, các chốt nồng độ cồn được xuất hiện trên khắp các con đường, tuyến phố cả nước, ngay cả đêm Giao thừa hay sáng Mùng 1 Tết. Theo một lãnh đạo Cục CSGT, tình trạng lái xe có nồng độ cồn “đã đến mức báo động”.
Tại một chốt đo nồng độ cồn trên phố Phan Đình Phùng đêm mùng 2 Tết, trong khoảng 150 ôtô được kiểm soát, 4 tài xế được ghi nhận đã sử dụng rượu bia. Các lý do được đưa ra đều tập trung quanh việc “đi chúc Tết, khó mà từ chối lời mời”.
Khi lý do đưa ra và không được chấp nhận, họ có đủ biện pháp với hy vọng không phải chịu phạt từ gọi điện nhờ nhiều mối quan hệ tác động, bỏ đi, không chấp hành kiểm tra hay thậm chí to tiếng, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
“Phải rất kiên trì, người bình thường khi bị phạt tâm lý đã khó bình tĩnh đây lại là người say”, một CSGT tại tổ công tác Y2/141 nói ngay khi một trường hợp chịu ký vào biên bản vi phạm, sau hơn một giờ cương quyết yêu cầu.
7.726 lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão vừa qua, theo thống kê từ Cục CSGT. So với cùng kỳ, con số này tăng gấp 7 lần (6.620 trường hợp). Nếu loại bỏ yếu tố ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào năm ngoái, đây vẫn được đánh giá là con số “rất cao” so với những cái Tết trước đó.
“Chúng tôi đã có chỉ đạo phải làm quyết liệt, không ngại quan niệm sợ giông cả năm”, đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) khẳng định và cho biết tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng can thiệp, xin bỏ qua vi phạm.
Đại diện Cục CSGT kỳ vọng việc xử lý quyết liệt kể cả không phải dịp cao điểm sẽ gây dựng được văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe” trong cộng đồng.
“Cũng giống như chúng ta xây dựng văn hóa đội mũ bảo hiểm, ai lái xe máy mà không đội mũ sẽ tự thấy lạc lõng”, ông Nhật đánh giá đây chính là yếu tố then chốt bởi “CSGT ra quân xử phạt dù quyết liệt cũng chỉ mang tính xác suất”.
Tài xế xe Vios có nồng độ cồn vượt mức kịch khung (0,404 mg/l khí thở) tông 8 người bị thương hôm 29 Tết. Ảnh: D.H. |
Trong dịp Tết vừa qua, khi ngồi vào mâm cơm cùng họ hàng, Nguyễn Hải Tân như thói quen đều ngăn những người sẽ lái xe không sử dụng đồ uống có cồn. Mọi người đều nghe theo cậu.
Ra Tết, trong khi chờ lịch đi thực tập, Tân sẽ cùng bác trai đi làm chính công việc mà ngày còn sống bố cậu vẫn làm - lắp đặt cho thuê loa đài cho sự kiện - vừa để trang trải cuộc sống, cũng là có việc “chạy đi chạy lại”.
“Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em sẽ học liên thông lên đại học. Sau nỗi đau, nhất định em phải mạnh mẽ hơn rất nhiều”, chàng trai 22 tuổi nói trước ban thờ của bố mẹ.