Những cảnh đời sáng mồng 1 Tết bên bờ kênh Nhiêu Lộc

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:30, 19/12/2015

Sáng mồng một Tết, trời không nắng. Một chút lành lạnh còn sót lại của năm cũ làm nhiều người rùng mình. Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc vắng vẻ. Thỉnh thoảng một vài người già nhàn tản qua lại bên thảm cỏ xanh…

Một người đàn ông đứng tư lự bên chiếc cần câu. Đôi mắt ông nhìn thẳng xuống dòng kênh nơi những chiếc phao nằm im trên mặt nước. Chiếc phao lay động. Ông với lấy chiếc cần rồi thu dây. Trong khoảnh khắc, dưới nước con cá trê vàng đang vùng vẫy…

Ông câu trên bờ kênh Nhiêu Lộc

''Mồng một Tết anh không nghỉ ngơi sao ?''. Tôi hỏi ông. ''Tôi nghỉ đó chứ. Anh tưởng tôi đi câu cá về ăn hay bán sao ? Không tôi không ăn mà cũng không bán. Con này là con thứ 3 rồi. Anh xem tôi bỏ 3 con cá nằm đó để một lát khi về tôi thả chúng trở lại với dòng kênh…''

Cái thú tiêu khiển của ông là câu cá. Ông muốn tìm cái cảm giác chờ đợi, hồi hộp nhưng khi đã được rồi, những sinh vật nhỏ bé đó được ông tái sinh. Ông chưa hề ăn một con cá nào do chính ông câu. Ông tâm sự với chúng tôi.

Cái tết này ông vừa tròn 63 tuổi. 5 đứa con ông đã thành gia thất và có công việc ổn định. Việc nhà, một tay bà quán xuyến và ông thảnh thơi tìm thú vui riêng cho mình.

Ông nói như rót vào tai tôi: ''ngày xưa, ông Đặng Dung mài gươm dưới trăng có làm bài “thuật hoài” trong đó có câu: thời lai đồ điếu thành công dị (gặp thời thì anh bán thịt hay anh câu cá cũng dễ thành công). Mình không có cái cao vọng đó. Chỉ muốn ngày ngày buông cần tìm chút tĩnh lặng sau nhiều năm bươn trãi.''

Một chiếc lồng với nhiều chim dính bẫy

Cách đó không xa, trên bờ kênh có những chiếc lồng với hàng chục con chim sẻ đang tung tăng. Sải cánh nhưng không sao thoát được. Bên dưới, những hạt lúa màu vàng rực thôi thúc những con chim ngoài lồng. Những con chim trong lồng rít lên từng tiếng. Những con chim khác đang đến nhặt từng hạt lúa. Bẫy sập, chúng bị nhốt vào trong.

Đôi vợ chồng trung niên này làm nghề bẫy chim phóng sinh đã nhiều năm nay. Trước đây, khi khu vực này còn đầm lầy ao hồ thì nghề bẫy chim còn kiếm sống được. Giờ đây, thiên nhiên hoang dã không con, chim bỏ đi nhiều nên muốn có chim để bán phải đi xa hơn. Nhưng xa thì xa cũng phải giữ lại một số lồng tại bờ kè này nơi đã giúp hai người có miếng cơm ngay từ buổi đầu.

Cái vòng luẩn quẩn, những con chim này được đem đến các ngôi chùa bán cho khách thập phương viếng chùa phóng sinh. Chúng bay ra chưa kịp tìm đến bầu trời rộng lớn thì tiếp tục bị tóm. Bán thêm một lần nữa và đến một lúc nào đó, chúng kiệt sức ngã gục xuống. Lúc bấy giờ ý nghĩa của phóng sinh có còn nguyên vẹn nữa không ?.

Cầu Kiệu bắt ngang kênh Nhiêu Lộc còn thơm mùi vữa mới. Buổi sáng mồng 1 Tết đường vắng ít xe qua lại. Giữa cầu, một chiếc xe đạp chất đầy những bao hàng phế liệu. Cạnh xe đạp, một phụ nữ ngồi bệt trên lề cầu lim dim đôi mắt.

Người phụ nữ nghèo mưu sinh sáng mồng 1 Tết

Chị có vẻ mệt mỏi. Dường như muốn có được mớ phế liệu chất đầy xe kia chị phải thức trọn đêm giao thừa. Nhìn chị chúng tôi chợt nghĩ đến những mảnh đời nghiệt ngã. Sáng mồng một Tết ai cũng có một gia đình để trở về. Nhưng, với chị thì không. Giờ này chị còn bươn trãi mưu sinh thì biết đến bao giờ mới có niềm vui giản đơn đó ?

Ông già câu cá, vợ chồng người bẫy chim và người phụ nữ thu gom phế liệu dường như là bức tranh sinh động trong sáng mồng một Tết năm nay. Sẽ có thêm những gam màu khác trong cuộc sống luôn tồn tại bên ta; chỉ biết cầu mong cho những bất hạnh đừng ập lên những mảnh đời vốn đã chịu nhiều thiệt thòi và khổ ải.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 19/02/2015
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhung-canh-doi-sang-mong-1-tet-ben-bo-kenh-nhieu-loc-222435.html

Trần Chánh Nghĩa